Moscow cảnh báo EU "tự hủy hoại chính mình" vì cấm dầu của Nga
(Dân trí) - Nga cảnh báo quyết định của Liên minh châu Âu EU nhằm cấm vận một phần dầu nhập từ Moscow có thể sẽ gây tác dụng ngược, khiến khối này bị tổn thương.
Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/6 cảnh báo rằng, việc EU quyết loại dầu của Moscow sẽ gây ra tình trạng mất ổn định với thị trường năng lượng toàn cầu. Nga gọi động thái này là bước đi "tự hủy hoại chính mình" và có thể sẽ phản tác dụng với Liên minh châu Âu.
Các nhà lãnh đạo EU đã đồng thuận hướng tới mục tiêu cắt giảm 90% dầu nhập của Nga vào cuối năm nay, đánh dấu lệnh trừng phạt mạnh nhất khối này áp lên Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 100 ngày trước.
"Quyết định của EU nhằm loại bỏ một phần dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, cũng như cấm bảo hiểm với tàu hàng của Nga, sẽ khiến giá cả tiếp tục leo thang, gây mất ổn định thị trường toàn cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga viết.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết, lệnh trừng phạt dầu của Nga của EU sẽ làm tổn hại tới dòng chảy của mặt hàng này trên toàn cầu và khiến thị trường năng lượng toàn cầu trở nên bất ổn.
"Nhưng dĩ nhiên là Nga sẽ không bán lỗ bất cứ hàng hóa nào. Nếu nhu cầu ở một khu vực nào đó giảm xuống, điều đó có nghĩa là nhu cầu ở nơi khác sẽ tăng lên và các dòng chảy năng lượng sẽ được định tuyến lại", phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov phát biểu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết động thái loại bỏ dần dầu của Nga sẽ tước đi nguồn tài chính khổng lồ của Moscow và gây áp lực buộc nước này phải chấm dứt chiến dịch quân sự, nhưng Moscow cảnh báo rằng các biện pháp này sẽ gây hại cho nền kinh tế của EU.
Giới phân tích nhận định, Nga trong vài tháng qua đã có những động thái khá chính xác để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước "bão" trừng phạt, và giờ đây câu hỏi được đặt ra là liệu phương Tây có vượt qua được các lệnh trừng phạt do chính họ áp lên Nga hay không.
Chuyên gia Iskander Lutsko, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại tổ chức ITI Capital, cho rằng các biện pháp trừng phạt vẫn đang có lợi cho chính phủ Nga vì nó đã tạo ra sự biến động lớn về giá cả hàng hóa.
Ngày 2/3, dầu đã tăng vượt mức 110 USD/thùng, so với mức 60 USD/thùng trước đó. Và trong quý I năm nay, Nga đã ghi nhận thặng dư thương mại cao lịch sử ở mức 58 tỷ USD.
Nga chiếm gần 20% tổng sản phẩm dầu và dầu mỏ toàn cầu và 17,5% khí đốt của thế giới, khiến nước này trở thành một trong những nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất toàn cầu. Vì vậy, các biện pháp tác động tới Nga cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường.
Trên thực tế, giá dầu và khí đốt đều tăng mạnh trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng lớn tới nhiều nền kinh tế ở phương Tây.
"Mỹ và châu Âu, bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, họ dường như cũng đang tự bắn vào chân mình", ông Lutsko nhận định.