1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc gia EU nói dân châu Âu phải "trả giá" vì lệnh trừng phạt Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Croatia, nước thành viên EU, cho rằng lệnh trừng phạt liên minh áp lên Nga không hiệu quả và gây tổn hại cho chính người dân châu Âu chứ không phải Moscow.

Quốc gia EU nói dân châu Âu phải trả giá vì lệnh trừng phạt Nga - 1

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic (Ảnh: Reuters).

"Những lệnh trừng phạt đó không hiệu quả. Nga không cảm thấy gì hết, đồng rúp không sụp đổ. Người dân EU mới phải trả giá, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mỉm cười. Dầu và khí đốt (của Nga) sẽ được xuất đi nơi khác vì nhu cầu rất lớn", Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu hôm 31/5 khi bình luận về lệnh trừng phạt mới nhất mà EU áp lên Nga.

Trước đó, EU đã nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm hướng tới lộ trình cấm vận phần lớn dầu Nga, trong nỗ lực gây áp lực lên Moscow để chấm dứt chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 100 ngày ở Ukraine. Lệnh trừng phạt này cấm toàn bộ dầu Nga vận chuyển bằng tàu, nhưng không cấm dầu vận chuyển qua đường ống. EU cũng không thể trừng phạt khí đốt Nga vì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Moscow hiện tại.

Theo ông Zoran Milanovic, lệnh trừng phạt của EU đang chỉ khiến đồng rúp của Nga mạnh hơn, trong khi người dân châu Âu phải đối mặt với giá nhiên liệu cao vọt do ảnh hưởng từ các biện pháp cấm vận năng lượng Nga. Vì vậy, ông nhận định, động thái này không hiệu quả.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng, các lệnh trừng phạt phương Tây sẽ "có tác động mạnh nhất" lên nền kinh tế Nga "từ mùa hè này". Ông Draghi hôm 31/5 nhận định, lệnh cấm vận dầu Nga sẽ ảnh hưởng tới thương mại quốc tế "trong rất nhiều năm, nếu không nói là mãi mãi".

Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp lại thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.

Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Mặt khác, châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không mua dầu Nga nữa, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine