Nga cắt khí đốt sang Hà Lan, EU cấm vận một phần dầu mỏ Nga
(Dân trí) - Moscow sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Hà Lan từ ngày 31/5 do không thanh toán bằng đồng rúp. Trong khi đó, EU nhất trí cấm một phần nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho tập đoàn kinh doanh khí đốt GasTerra của Hà Lan từ ngày 31/5.
"Gazprom Export đã thông báo cho GasTerra việc tạm ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ ngày 31/5/2022 cho đến khi đáp ứng yêu cầu thanh toán theo điều khoản đã nêu rõ trong sắc lệnh", RT dẫn thông cáo của Gazprom, trong đó ngầm đề cập đến sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ban hành, đề nghị các quốc gia không thân thiện thanh toán tiền mua khí đốt bằng rúp.
Trước đó, GasTerra cảnh báo, Moscow có thể cắt nguồn cung khí đốt do công ty này từ chối thanh toán bằng rúp, giống như Nga đã làm với Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và sắp tới có thể là Đan Mạch. GasTerra cho biết thêm, họ không có kế hoạch thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp vì điều đó vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Hồi tháng 3 năm nay, để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin đã ban hành sắc lệnh yêu cầu tất cả các nước "không thân thiện", trong đó bao gồm toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU, phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp hoặc sẽ bị cắt nguồn cung.
Sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối của châu Âu. EU cáo buộc Nga sử dụng khí đốt như "công cụ tống tiền" và điều này là " không chính đáng, không thể chấp nhận được". EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung từ Nga trong năm 2021. Một số nước như Bulgaria thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ Moscow.
EU cấm vận một phần dầu mỏ Nga
Bất chấp những tác động đến nền kinh tế, EU tiếp tục áp lệnh trừng phạt Nga, tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của nước này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, lãnh đạo EU ngày 30/5 đã đạt được đồng thuận về việc cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga.
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga", ông Michel cho hay trong một dòng tweet vào tối 30/5.
Thông báo được đưa ra ngay sau cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu nhằm thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga. "Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp cứng rắn khác như: loại ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm thêm 3 hãng truyền thông lớn của nước này, trừng phạt các cá nhân có liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine", ông Michel cho biết thêm.
Lãnh đạo EU dự kiến nhóm họp tiếp tại Brussels vào hôm nay để thảo luận cách đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.