1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mariupol nguy cấp, chỉ huy thủy quân lục chiến Ukraine cầu cứu

Minh Phương

(Dân trí) - Chỉ huy lực lượng chiến đấu tại thành phố Mariupol của Ukraine đề nghị quốc tế hỗ trợ sơ tán binh sĩ và người dân trong nhà máy gang thép Azovstal, khi tình hình ngày càng nguy cấp.

Mariupol nguy cấp, chỉ huy thủy quân lục chiến Ukraine cầu cứu - 1

Serhiy Volyna, chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine (Ảnh: EPA).

Guardian đưa tin, trong một đoạn video chia sẻ trên mạng Facebook hôm 27/4, Serhiy Volyna, chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine, đơn vị đang chiến đấu ở thành phố Mariupol, miền Nam Ukraine, một lần nữa kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Trong video, ông Volyna nói rằng, hơn 600 người bị thương đang trú ẩn bên trong nhà máy luyện kim Azovstal mà không được chăm sóc y tế, không có thuốc men. Viên chỉ huy này cho biết, không chỉ các binh sĩ, mà cả người dân, bao gồm người già, phụ nữ và trẻ em đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, cạn kiệt lương thực, nước uống và các trang thiết bị phòng thủ.

"Tôi cầu xin tất cả lãnh đạo trên thế giới, tất cả các nhà ngoại giao, cầu xin Giáo hoàng Francis hỗ trợ sơ tán chúng tôi khỏi đây", ông Volyna kêu gọi.

Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 là một trong những đơn vị chiến đấu còn lại của Ukraine ở thành phố cảng Mariupol. Lực lượng bảo vệ Mariupol gồm lính thủy đánh bộ Ukraine, lữ đoàn cơ giới, lữ đoàn Vệ binh Quốc gia và Trung đoàn Azov (một lực lượng dân quân do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu thành lập và sau này được hợp nhất thành Vệ binh Quốc gia Ukraine).

Hiện hàng nghìn binh sĩ của Ukraine và dân thường đang cố thủ bên trong nhà máy gang thép Azovstal - thành trì cuối cùng của Ukraine trong thành phố - trước sự bao vây và tấn công của quân đội Nga.

Mariupol nguy cấp, chỉ huy thủy quân lục chiến Ukraine cầu cứu - 2

Ảnh chụp vệ tinh khu vực nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol của Ukraine (Ảnh: Reuters).

Nhà máy Azovstal có kết cấu hầm ngầm kiên cố có thể chống chịu một cuộc tấn công hạt nhân. Giới chức Ukraine được cho là đã trang bị sẵn hệ thống dự trữ lương thực, năng lượng bên trong boongke này ngay trước khi xung đột nổ ra.

Tuy nhiên, trước các đòn tấn công liên tiếp và sự bao vây của lực lượng Nga nhiều tuần qua, tình hình bên trong nhà máy Azovstal ngày càng trở nên nguy cấp.

Tuần trước, trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với truyền thông, ông Volyna cũng khẩn cầu sự hỗ trợ của quốc tế. Ông nói: "Tôi có một tuyên bố với thế giới. Đây có thể là tuyên bố cuối cùng bởi chúng tôi chỉ còn vài ngày, thậm chí vài giờ nữa. Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo thế giới đưa binh sĩ và dân thường đến lãnh thổ quốc gia thứ ba và đảm bảo an toàn cho chúng tôi".

Ông mô tả tình hình tại Mariupol "vô cùng nguy cấp" khi họ bị bao vây hoàn toàn, hàng trăm người bao gồm cả quân nhân và dân thường bị thương với các vết thương đã bắt đầu nghiêm trọng vì không được điều trị.

Khi được hỏi về phương án có thể hỗ trợ sơ tán những người mắc kẹt bên trong Azovstal, ông cho biết: "Điều này phụ thuộc vào mức độ của các thỏa thuận. Ví dụ, một con tàu với trực thăng có thể đón chúng tôi. Hoặc một nhiệm vụ nhân đạo quốc tế có thể diễn ra và đảm bảo an ninh cho chúng tôi, đưa chúng tôi đến với quốc gia sẽ thực hiện các cam kết như vậy".

Bất chấp tình thế nguy cấp, lực lượng của Ukraine ở Mariupol kiên quyết không đầu hàng "tối hậu thư" của Nga và tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng.

Nhà máy Azovstal có thể coi là chướng ngại vật cuối cùng khiến Nga chưa thể kiểm soát hoàn toàn thành phố cảng chiến lược Mariupol. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hiện không còn giao tranh ở khu vực Azovstal, thay vào đó, lực lượng của Nga chỉ bao vây nhà máy. Mặc dù vậy, phía Ukraine cáo buộc Nga tiếp tục các đợt không kích và pháo kích vào đây kể cả sau thông báo ngừng bắn mở hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine