1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Ukraine, Nga cùng đẩy mạnh tấn công tầm xa

Minh Phương

(Dân trí) - Nga và Ukraine đẩy mạnh tấn công tầm xa lẫn nhau trong bối cảnh giao tranh dọc tiền tuyến phần lớn bế tắc.

Lý do Ukraine, Nga cùng đẩy mạnh tấn công tầm xa - 1

Xe hơi bốc cháy ở Kiev, thủ đô Ukraine, sau một cuộc tập kích của Nga (Ảnh minh họa: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/1 cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 10 tên lửa phóng từ máy bay của Ukraine trên bầu trời bán đảo Crimea và 10 tên lửa trên bầu trời thành phố biên giới Belgorod.

Tối cùng ngày, thành phố biên giới Belgorod của Nga cũng bị tập kích tên lửa, khiến 2 người bị thương. Chưa đầy một tuần trước đó, Belgorod cũng bị tập kích, khiến 25 người thiệt mạng. Đây là một trong những vụ tập kích chết chóc nhất nhằm vào lãnh thổ Nga kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, tối 3/1, Nga khai hỏa 2 tên lửa S-300 nhằm vào Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Giới chức Ukraine cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày từ 29/12 đến 2/1, Nga sử dụng hơn 500 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào mục tiêu trên khắp Ukraine.

Trong đó, vụ tập kích hôm 29/12 khiến 34 người thiệt mạng ở thủ đô Kiev của Ukraine và các khu vực xung quanh. Quân đội Ukraine nói rằng, họ chưa từng thấy đợt tập kích nào của Nga có quy mô lớn như vậy cả về số lượng vũ khí và chủng loại vũ khí. Cụ thể, Moscow sử dụng các UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, đáng chú ý có tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Các cuộc tập kích tầm xa qua lại giữa Ukraine và Nga diễn ra trong bối cảnh giao tranh dọc tiền tuyến phần lớn bế tắc.

Lực lượng Nga tiến về phía bắc và phía nam Bakhmut, đến Bohdanivka và một phần Klishchiivka. Bất chấp các cuộc tấn công liên tục, Nga không thể đánh bật đầu cầu của Ukraine ở Krynky trên bờ đông sông Dnieper ở Kherson, mặt trận miền Nam.

Trong tình hình bế tắc này, cả Nga và Ukraine tăng cường các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào những mục tiêu của nhau như kho vũ khí, đạn dược, các nhà máy sản xuất quốc phòng, từ đó làm tiêu hao nguồn lực của đối phương.

Nga được cho là đã chuẩn bị nhiều tháng cho chiến dịch này bằng việc tăng cường sản xuất tên lửa và UAV để phục vụ cho các cuộc tập kích tầm xa quy mô lớn.

Ukraine cũng thúc đẩy ngành chế tạo quân sự, tuy nhiên khó đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, Kiev kêu gọi các đồng minh khẩn cấp hỗ trợ hệ thống phòng không.

Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Anh cam kết cung cấp cho Ukraine 200 tên lửa phòng không. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói: "Nga đang thử thách hệ thống phòng không Ukraine và quyết tâm của phương Tây. Nhưng họ đã nhầm".

Giới quan sát nhận định, cục diện chiến sự Ukraine thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào việc phương Tây có quyết định hỗ trợ thêm những hệ thống phòng không hiện đại để đối phó các cuộc tập kích quy mô lớn của Nga hay không. Nếu không, hệ thống phòng không Ukraine sẽ sớm kiệt quệ trước sức ép từ những đòn tấn công đó.

Theo AP, Al Jazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine