1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Mỹ gửi phiên bản hỏa thần HIMARS kém uy lực hơn cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho biết, phiên bản hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS mà Washington viện trợ cho Ukraine đã được chỉnh sửa để làm giảm bớt uy lực tác chiến của tổ hợp.

Lý do Mỹ gửi phiên bản hỏa thần HIMARS kém uy lực hơn cho Ukraine - 1

Hệ thống HIMARS (Ảnh: Reuters).

Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, Mỹ sửa đổi Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) viện trợ Ukraine để đảm bảo Kiev có khả năng tự vệ trước Nga, đồng thời ngăn chiến sự leo thang vượt ra ngoài Ukraine.

Theo giới quan sát, động thái của Mỹ cho thấy sự thận trọng chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trước đó, Mỹ nhiều lần tuyên bố viện trợ quân sự giúp Ukraine đối phó Nga, nhưng không tham gia vào cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.

Đó là lý do khiến Mỹ nhiều lần từ chối cấp cho Kiev tên lửa ATACMS. ATACMS là tên lửa đất đối đất có tầm bắn 300km, gấp 4 lần các rocket mà Mỹ đang cấp cho Ukraine để sử dụng trên hệ thống HIMARS.

Theo Wall Street Journal, ngoài giữ vững quan điểm không gửi tên lửa tầm bắn 300km cho Ukraine, Mỹ còn sửa đổi hệ thống HIMARS viện trợ cho Kiev để đảm bảo rằng Ukraine không thể bắn ATACMS nếu như họ có được hỏa lực này từ một nguồn khác, ví dụ đồng minh của Washington.

Khi được Newsweek hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết, Washington không bình luận về thông số của các hệ thống mà họ viện trợ cho Ukraine, nhưng khẳng định sẽ cấp cho Kiev khả năng cần thiết để tự vệ.

Ngoài ra, Mỹ trước đó cũng chỉnh sửa nhiều hệ thống vũ khí uy lực trước khi gửi cho Ukraine. Đây là nỗ lực để đảm bảo rằng, ngay cả khi các vũ khí này bị rơi vào tay Nga, Washington cũng sẽ không bị lộ công nghệ vũ khí nhạy cảm cho phía đối thủ. Tuy nhiên, những sự điều chỉnh này đôi khi cũng kéo theo hệ lụy rằng vũ khí sẽ bị giảm bớt uy lực tác chiến so với bản gốc.

Lý do Mỹ gửi phiên bản hỏa thần HIMARS kém uy lực hơn cho Ukraine - 2

Tên lửa ATACMS (Ảnh: Lockheed Martin).

Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền nước này cho biết, Ukraine dường như đã gửi cho Mỹ danh sách đầy đủ về những mục tiêu của Nga mà họ dự định có thể nhắm tới. Đây được xem là nỗ lực để thuyết phục chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa, uy lực hơn như ATACMS.

Hồi tháng 7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay, nước này sẽ không cung cấp ATACMS cho Ukraine vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Thế chiến III.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi tháng 9 cảnh báo, Mỹ sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và trở thành một bên trực tiếp tham gia vào cuộc chiến nếu cấp ATACMS cho Ukraine.

Mỹ đã hiện đã viện trợ và cam kết viện trợ tổng cộng trên 30 hệ thống HIMARS. Ukraine đã sử dụng tên lửa GMLRS trên HIMARS và gây ra không ít tổn thất cho các mục tiêu quan trọng của Nga như kho vũ khí, kho nhiên liệu, các tuyến tiếp tế hậu cần.

GMLRS chỉ có tầm tấn công 80km, nhưng giá thành vào khoảng 160.000USD, trong khi mỗi quả ATACMS trị giá 1 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ đã dừng dây chuyền sản xuất ATACMS được 10 năm, trong khi GMRLS vẫn đang trong quá trình sản xuất bổ sung. Newsweek cho rằng, đây là một trong những lý do mà Mỹ vẫn kiên định với việc không gửi ATACMS cho Ukraine.

Trên chiến trường, rocket GMLRS của HIMARS không chỉ giúp Ukraine phòng thủ trước Nga mà còn giúp Kiev giành lại lãnh thổ từ Moscow. HIMARS được xem là một yếu tố quan trọng giúp Ukraine kiểm soát trở lại thành phố Kherson vào tháng trước sau khi cắt đứt nguồn tiếp tế hậu cần của Nga tại đây.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine