Lý do khiến Mỹ e ngại cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine
(Dân trí) - Một quan chức Mỹ đã giải thích lý do nước này chưa cung cấp các máy bay chiến đấu, xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và hệ thống phòng không Patriot hiện đại cho Ukraine.
Trong thời gian qua, khi Kiev nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã gửi cho quân đội Ukraine nhiều loại trang thiết bị và vũ khí hạng nặng.
Pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm, tên lửa chống hạm Harpoon, xe bọc thép, pháo tự hành, máy bay không người lái và các vũ khí uy lực khác đã đóng góp rất nhiều trong những thành công gần đây trên chiến trường của quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, trong các loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu, Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc chuyển giao các vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, xe tăng chiến đấu chủ lực và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Trang Defense Express dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói về lý do vì sao Lầu Năm Góc vẫn chưa cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại trên cho Ukraine. Theo đó, việc viện trợ các loại vũ khí trên không phải làm một nhiệm vụ dễ dàng vì nó sẽ kéo theo hàng loạt các yêu cầu phức tạp về mặt hậu cần.
Việc các cơ sở hậu cần sửa chữa của Ukraine vốn chỉ được xây dựng nhằm phục vụ các vũ khí do Liên Xô sản xuất sẽ khiến việc chuyển giao mất rất nhiều thời gian. Nếu vội vã, các vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất sẽ không được sửa chữa và bảo dưỡng trong điều kiện tốt, qua đó tăng khả năng hỏng hóc bất ngờ và tệ hơn là sẽ lọt vào tay quân đội Nga.
Giới chức quốc phòng của Mỹ cùng nhiều nước đồng minh phương Tây đã nhiều lần bảy tỏ với phía Ukraine về việc không muốn các công nghệ hiện đại được trang bị trên máy bay chiến đấu, xe tăng và các tổ hợp phòng không của họ bị quân đội Nga thu giữ và nghiên cứu nhằm tìm cách hóa giải.
Với các máy bay chiến đấu F-15 và F-16, hạ tầng sân bay của Ukraine hiện cũng không cho phép Kiev tiếp nhận các loại máy bay này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hồi tháng 7 đã thừa nhận các sân bay quân sự của Ukraine hiện tại đều không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16.
"Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu được chuyển giao, các máy bay hiện đại đó sẽ đồn trú ở đâu. Tất cả chúng ta đều mong muốn Không quân Ukraine sẽ sở hữu máy bay chiến đấu F-16, ngay cả tôi cũng vậy. Nhưng các sân bay quân sự của chúng ta sẽ cần phải được nâng cấp rất nhiều để có thể tiếp nhận các máy bay đó", ông Reznikov nói.
Bộ trưởng Reznikov cho biết thêm, mặt đường băng tại các sân bay quân sự Ukraine hiện tại đa phần là không đủ tiêu chuẩn để các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất cất hạ cánh. Vào năm 2018, trong các cuộc tập trận chung với Không quân Mỹ, tiêm kích F-15 và F-16 đã hạ cánh xuống các sân bay quân sự ở Myrhorod và Starokostyantyniv. Tuy nhiên, cả 2 sân bay trên đều đã được đóng cửa để nâng cấp trong thời gian dài và điều này khó có thể được thực hiện trong điều kiện chiến sự nóng lên từng ngày như hiện nay.