1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hầu hết thành viên NATO cạn vũ khí cấp cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Khoảng 2/3 thành viên NATO đã cạn kiệt khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine khi chiến sự Ukraine kéo dài, New York Times đưa tin.

Hầu hết thành viên NATO cạn vũ khí cấp cho Ukraine - 1

Một binh sĩ Ukraine khai hỏa tên lửa chống tăng vác vai (Ảnh: AP).

New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của NATO ngày 26/11 cho hay, kho dự trữ vũ khí của ít nhất 20 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu "gần như bằng 0". "Các nước nhỏ hơn không còn khả năng viện trợ vũ khí", nguồn tin cho hay.

Theo nguồn tin, chỉ các thành viên lớn như Pháp, Đức, Hà Lan, Italy vẫn còn đủ vũ khí dự trữ để tiếp tục cung cấp cho Ukraine.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2 đến nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev. Theo New York Times, nhìn chung các nước NATO đã chuyển giao vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.

Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt. Ông nhấn mạnh: "Một trong những trọng tâm chính của NATO là hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng để tăng cường sản xuất. Nếu cuộc xung đột kéo dài, điều quan trọng là chúng ta phải bổ sung kho dự trữ vũ khí".

Chiến sự đã bước sang tháng thứ 10 song chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Các chuyên gia nhận định, xung đột có thể chậm lại hoặc đóng băng trong những tháng mùa đông và tiếp tục kéo dài sang năm 2023.

Một số nước phương Tây thừa nhận kho vũ khí của họ bắt đầu cạn kiệt. Giới chức Đức hồi tháng 9 nói rằng, khả năng viện trợ quân sự cho Ukraine đã "tới hạn". Lithuania hối thúc đồng minh hỗ trợ Ukraine mọi thứ có thể bởi nước này không còn vũ khí để viện trợ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố, Washington tiếp tục viện trợ Kiev "lâu nhất có thể" ngay cả khi kho dự trữ quân sự của Mỹ đã hao hụt đáng kể.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay. Khi đó, Mỹ và đồng minh có thể gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.

Về điều này, giới chức Kiev khẳng định không có lãnh đạo quốc tế nào thúc ép Ukraine thỏa hiệp với Nga và Kiev cũng không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 23/11 bình luận, nếu người Ukraine không mệt mỏi, thì Liên minh châu Âu không có lý do gì mệt mỏi về xung đột Ukraine. Ông kêu gọi EU tập trung vào các biện pháp trừng phạt để làm suy giảm khả năng sản xuất tên lửa của Nga - vũ khí chính mà Moscow dùng để thực hiện tập kích hàng loạt hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine