1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do chiến thuật phương Tây không thể giúp Ukraine phá phòng thủ của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Sau hơn 2 tháng áp dụng chiến thuật phản công của phương Tây, Ukraine vẫn chưa thể phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Giới phân tích đã chỉ ra điểm yếu nhất của chiến thuật này.

Lý do chiến thuật phương Tây không thể giúp Ukraine phá phòng thủ của Nga - 1

Quân đội Mỹ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine năm 2014 (Ảnh: Getty).

Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công của phương Tây từ đầu tháng 6 sau khi các lữ đoàn của họ được phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí hiện tại. Tuy vậy, sau hơn hai tháng, chiến dịch phản công không mang lại kết quả như kỳ vọng trong khi Kiev dường như cũng hứng chịu tổn thất lớn.

"Quân đội Ukraine hiện đã gác lại các chiến thuật tác chiến của Mỹ và quay trở lại với chiến thuật mà họ hiểu rõ nhất", New York Times bình luận hôm 2/8.

Newsweek dẫn ý kiến chuyên gia đã chỉ ra lý do chính khiến chiến thuật của Mỹ và phương Tây nói chung không mang lại hiệu quả trong cuộc phản công của Ukraine.

Họ lập luận, để lực lượng Ukraine có thể thành công với chiến thuật của NATO, Ukraine cần có được ưu thế trên không. Tuy nhiên, thực tế Ukraine không có được ưu thế này.

"Để chiến thuật của phương Tây phát huy hiệu quả, họ (Ukraine) phải có đủ các yếu tố cần thiết, quan trọng nhất là ưu thế trên không", Đại tá nghỉ hưu của Anh Hamish de Bretton-Gordon, người từng chỉ huy lực lượng hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân của Anh, nhận định.

Phương Tây đã đổ hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng không bao gồm các máy bay chiến đấu phương Tây hiện đại như F-16 hay trực thăng tấn công theo tiêu chuẩn NATO.

Vài giờ trước khi chiến dịch phản công của Ukraine bắt đầu, Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo ưu thế trên không của Nga và nhu cầu các hệ thống phòng không của Ukraine đồng nghĩa với việc "nhiều binh sĩ của Ukraine có thể tử trận" trong những tháng tới.

Theo ông Bretton-Gordon, nếu không có các máy bay phương Tây để đối phó với ưu thế trên không của Nga, binh sĩ Ukraine phải "chiến đấu khi ít nhất một bên tay trói phía sau. "Tôi nghĩ đó là vấn đề quan trọng nhất", ông nói.

Các chuyên gia cho rằng, chiến thuật tác chiến của NATO phụ thuộc lớn vào khả năng kiểm soát trên không và cũng chỉ mới được thử nghiệm vài năm gần đây tại những khu vực mà liên minh này có ưu thế trên không.

"Không có thành viên NATO nào trải qua những gì quân đội Ukraine trải qua trong 18 tháng qua. Lối đánh của NATO trong chiến tranh mặt đất chưa từng được thử nghiệm thực sự nhằm chống lại một nước lớn dù họ có nhiều thập niên đầu tư và huấn luyện", chuyên gia phân tích chiến lược Davis Ellison tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague bình luận.

Không những chưa thể chiếm ưu thế trên không, Ukraine còn đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng nhân sự giàu kinh nghiệm hoặc những người có kinh nghiệm nhưng không được huấn luyện ở phương Tây.

Michael Kofman, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: "Vấn đề là trong vài tháng huấn luyện vừa qua, các đơn vị của Ukraine được chuyển sang chiến đấu theo lối đánh của Mỹ để tấn công vào phòng tuyến được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga, thay vì được hỗ trợ chiến đấu theo chiến thuật phù hợp nhất với họ".

Theo ông Bretton-Gordon, binh sĩ Ukraine cần khoảng một năm để thích nghi với lối đánh mới. "Đôi khi, trong tình huống khó khăn, bạn sẽ hành động theo thói quen thay vì dựa trên những gì đã được huấn luyện", ông nhấn mạnh.

Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder đánh giá: "Nga có thời gian để xây dựng phòng tuyến dọc các khu vực họ kiểm soát và Ukraine đang chiến đấu với lực lượng này. Đây là một cuộc giao tranh khó khăn. Chúng tôi huấn luyện cho Ukraine từ năm 2014. Chúng tôi tin Ukraine có khả năng chiến đấu đáng kể và sẽ triển khai lực lượng khi thích hợp".

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine