1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý do cầu Crimea vẫn bình yên sau các đe dọa của Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov tuyên bố muốn cho nổ cầu Crimea lần thứ 3, nhưng vì sao đến giờ Kiev chưa dùng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công?

Lý do cầu Crimea vẫn bình yên sau các đe dọa của Ukraine - 1

Cầu Crimea nối đất liền Nga với bán đảo (Ảnh: Sky News).

Chiến sự Ukraine tiếp diễn ác liệt

Giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt trong bối cảnh cả quân đội Ukraine và Nga dường như đều đang chuẩn bị cho "cuộc tấn công chí mạng" dành cho đối thủ.

Mặc dù quân đội Nga đã tận dụng sự suy yếu và thất thế của lực lượng vũ trang Ukraine để chiếm được thêm một số ngôi làng, nhưng về tổng thể vẫn chưa có đột phá thật sự lớn.

Toàn bộ các "tâm chấn" Volchansk, Kupyansk, Avdiivka, Toretsk, Chasov Yar và Krasnogorivka - sáu chiến trường thu hút hàng trăm nghìn quân - lại không xảy ra bất kỳ thay đổi cơ bản nào, dù Nga đang có những bước tiến nhất định.

Hơn một nửa năm 2024 đã trôi qua, đồng thời cũng có nghĩa là lời dự đoán của Trung tướng Budanov - người đứng đầu Tổng Cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GRU) - không thành hiện thực.

Vào tháng 4, báo Guardian của Anh dẫn nguồn tin từ GRU tiết lộ, Ukraine dự định tiến hành cuộc tấn công cầu Crimea (hay còn gọi là Kerch) lần thứ ba trong nửa đầu năm 2024. Hơn nữa, Tình báo quốc phòng Ukraine khi đó cũng tuyên bố rằng, việc huyết mạch giao thông này bị phá hủy là "không thể tránh khỏi" và GRU đã có hầu hết các loại vũ khí để đạt được mục tiêu này.

Dù quân đội Nga cáo buộc Kiev cố gắng sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS mà Mỹ viện trợ, để đánh phá cầu Crimea hồi tháng 5 nhưng phía Ukraine khẳng định, vụ đó họ nhằm vào chiếc phà gần eo biển Kerch chứ cây cầu hoàn toàn không phải là mục tiêu.

Nhưng dù sự thật thế nào, thì nửa đầu năm đã trôi qua, cây cầu Crimean gắn liền với cuộc sống của toàn thể người dân bán đảo Crimea vẫn bình yên vô sự.

Hiện nay không ai phủ nhận quân đội Ukraine không có khả năng nhưng sau 2 tháng, cầu Crimea vẫn chưa bị tập kích thêm lần nào. Nếu huyết mạch này vẫn được Kiev liệt vào danh sách mục tiêu ưu tiên thì điều này gần như không thể xảy ra.

Điều đó có nghĩa là quân đội Ukraine lúc này chưa muốn "sờ" tới cầu Crimea, chứ không phải họ không có loại tên lửa đủ khả năng để tập kích. Suy cho cùng, Sevastopol - thành phố có trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga - mới là nơi thường xuyên bị tên lửa ATACMS tấn công.

Phải biết rằng Kiev luôn coi cây cầu này là tuyến tiếp tế hậu cần quan trọng nhất cho quân đội Nga ở Crimea trong khi bán đảo lại là căn cứ quan trọng cho các hoạt động chiến đấu của lực lượng Moscow ở Kherson, Zaporizhia và khu vực Biển Đen.

Ngoài ra, cầu Crimea đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nên nếu bị phá hủy, nó không chỉ gây ra thiệt hại lớn về quân sự và kinh tế cho Nga, mà còn giúp Kiev có lợi thế trong hoạt động tuyên truyền.

Vì vậy, sau khi phát động cuộc phản công lớn vào mùa thu năm 2022 và sự kiện tương tự vào mùa hè năm 2023, để phối hợp tác chiến trên chiến trường trực diện, quân đội Ukraine đã tập kích cầu Crimea 2 lần vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023. Để hoàn thành nhiệm vụ này, họ thậm chí còn hy sinh những đội đặc vụ quý giá và những chiếc xuồng không người lái.

Lý do cầu Crimea vẫn bình yên sau các đe dọa của Ukraine - 2

Sơ đồ đường bay của UAV Ukraine tấn công miền nam nước Nga và bán đảo Crimea ngày 22/7. Vị trí cầu Crimea nằm tại ô khoanh tròn đỏ (Ảnh: Rybar).

Lý do Ukraine chưa tập kích cầu Crimea

Việc cầu Crimea đến nay vẫn tạm yên bình có thể vì một số lý do sau:

Thứ nhất, ý nghĩa quân sự của cầu Crimea không còn quan trọng như trước. Kể từ khi lên nắm quyền Tư lệnh chiến trường Ukraine vào tháng 10/2022, tướng Surovikin, người được mệnh danh là "Tướng ngày tận thế" rất coi trọng việc bảo vệ các vị trí và lãnh thổ hiện có của Nga.

Quyết định chính xác của ông về việc xây dựng "Phòng tuyến Surovikin" không chỉ giúp Nga ổn định mặt trận trong 2 cuộc phản công lớn của Ukraine năm 2022 và 2023 mà còn bảo vệ tuyến đường bộ giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.

Vì vậy, ngay cả khi cầu Crimea bị cho nổ tung ngay bây giờ, thì chỉ có lực lượng phòng không Nga "mất mặt", còn việc tiếp tế cho quân đội của họ ở Crimea và khu vực phía nam Zaporizhia, Kherson vẫn có thể được thực hiện thông qua đường bộ. Vì vậy, xét về mặt quân sự, Kiev không còn đặt nặng nhu cầu phá hủy cầu Crimea nữa.

Thứ hai, quân đội Ukraine bị hạn chế về phương tiện để hạ gục cầu Crimea. Sau hai vụ tập kích gây hậu quả nghiêm trọng, Nga đã tăng cường các biện pháp bảo vệ. Không chỉ mọi phương tiện đi vào cầu đều được kiểm tra kỹ lưỡng, mà hàng rào dưới nước cũng đã được dựng lên, để ngăn chặn các cuộc tấn công của xuồng không người lái tự sát.

Vì vậy, nếu Ukraine tiếp tục sử dụng các phương pháp như dùng đặc công, thuyền không người lái thì hiệu quả sẽ không lý tưởng.

Do đó vũ khí hiệu quả nhất của quân đội Ukraine là tên lửa chiến thuật ATACMS mà Mỹ viện trợ, trị giá khoảng 1,5 triệu USD một quả. Loạt ATACMS phóng ồ ạt từ khu vực Odessa, có thể bay tới Crimea chỉ trong vòng 3 phút và quân đội Nga có thể không đánh chặn hết được.

Tuy nhiên, số lượng đạn tên lửa này được quân đội Mỹ cung cấp rất hạn chế. Theo New York Times của Mỹ hồi tháng 4 cho biết, sau đợt bổ sung mới nhất, quân đội Ukraine chỉ có hơn 100 quả.

Vì vậy, khi hệ thống phòng không đã ở mức "cảnh giác cao", muốn thành công, Kiev sẽ cần một số lượng lớn tên lửa khai hỏa cùng lúc để có thể phá hủy được cầu Crimea. Do đó, liệu quân đội Ukraine có dám sử dụng số lượng tên lửa khan hiếm như vậy, vào một mục tiêu "không có tác động chiến lược"?

Xét cho cùng, ở giai đoạn hiện tại của cuộc chiến, việc sử dụng những tên lửa này để phá hủy các trận địa phòng không, sân bay hay kho đạn của Nga sẽ có ý nghĩa hơn nhiều với lực lượng Kiev. Chốt lại, dù tác dụng tuyên truyền của việc tấn công cây cầu có tốt đến đâu đi chăng nữa nhưng toàn bộ quân Ukraine ở tiền tuyến bị thất thủ, thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Thứ ba, ý nghĩa tuyên truyền của việc đánh sập cầu Crimea không còn lớn nữa. Ngược lại, nếu quân Nga thất thế do cầu bị hỏng, nguy cơ trút giận trực tiếp của Moscow lên người Mỹ lại tăng lên.

Như chúng ta đã biết, trong quá trình theo đuổi hiệu ứng giật gân, dù một sự kiện có lớn đến đâu cũng không thể thu hút sự chú ý của công chúng hết lần này đến lần khác.

Cầu Crimea đã bị quân đội Ukraine tập kích thành công hai lần. Cuộc tấn công thứ ba có thể sẽ không còn thu hút đối với người dân Mỹ và Châu Âu, và về cơ bản sẽ không còn có thể gây "chấn động dư luận" nữa.

Nhưng đối với những người ở Crimea và vùng Zaporizhia cũng như Kherson, một sự kiện lớn như vậy chắc chắn sẽ khơi dậy sự phẫn nộ.

Dù lực lượng Moscow có chiến đấu quyết liệt đến đâu ở miền đông Ukraine thì họ cũng chưa ném bom 20 cây cầu trên sông Dnieper. Dường như Nga không muốn khơi dậy sự phẫn nộ của dư luận Ukraine và quốc tế, vì vậy, về mặt tuyên truyền, cầu Crimea giống như Đảo Rắn ban đầu, khi xung đột diễn ra liên miên, ý nghĩa tuyên truyền của nó đã giảm đi.

Ngoài ra, Nga đã cứng rắn cảnh báo châu Âu và Mỹ sau vụ tấn công thứ hai vào cầu Crimea rằng, nước này sẽ coi cuộc tấn công như vậy là hành vi xâm lược trực tiếp.

Đầu tháng 6 năm nay, Điện Kremlin đã cảnh báo rõ ràng rằng, nếu một quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa, để tấn công các mục tiêu chiến lược của Nga, thì Moscow có thể áp dụng "phản ứng bất đối xứng" để cung cấp vũ khí cho một số khu vực nước ngoài, để tấn công những mục tiêu của các nước phương Tây.

Suy cho cùng, với tư cách là nhân tố thực sự đằng sau cuộc chiến, Mỹ mặc dù không thể kiểm soát hoàn toàn lượng vũ khí chảy vào Ukraine, nhưng vẫn có thể kiểm soát một số vũ khí tiên tiến. Vì vậy, nếu Washington cho phép Kiev tấn công phá hủy cầu Crimea thì phản ứng của Nga đối với Mỹ chắc chắn sẽ là "đích đáng".

Mỹ luôn tính toán dùng Ukraine để làm suy yếu Nga và không muốn công khai ra mặt đối đầu. Bây giờ Mỹ đang dần rút máu nước Nga, chỉ chờ sự thay đổi, tại sao Mỹ lại phải chơi bài ngửa?

Tóm lại, dựa trên ba lý do trên, cầu Crimea cho đến nay vẫn an toàn. Tuy nhiên, ba lý do này không thể đảm bảo cho rằng trong tương lai vẫn sẽ như vậy.

Đối mặt với quân đội Nga vượt trội hoàn toàn, các tướng lĩnh quân đội Ukraine và quan chức cấp cao ở Kiev biết rất rõ rằng, chỉ có kéo NATO trực tiếp vào trận, thì họ mới tránh được nguy cơ thất bại.

Giờ đây, kế hoạch phản công vào mùa hè 2024 với "đòn chí mạng kiểu quà tặng" của quân đội Ukraine đã được đưa vào chương trình nghị sự, khả năng cầu Crimea bị tấn công vào giữa tháng 8 là rất cao và có thể không sử dụng tên lửa Mỹ. Vậy quân đội Ukraine có thể dùng vũ khí gì để cho nổ tung cầu Crimea? Đây vẫn sẽ là một câu hỏi lớn đối với Nga.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm