1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do Ba Lan không đánh chặn tên lửa rơi xuống biên giới

Minh Phương

(Dân trí) - Vụ việc tên lửa nghi từ Ukraine rơi xuống làng biên giới khiến 2 công dân thiệt mạng làm dấy lên câu hỏi tại sao Ba Lan không kích hoạt hệ thống phòng không để đánh chặn tên lửa này.

Lý do Ba Lan không đánh chặn tên lửa rơi xuống biên giới - 1

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (Ảnh: EPA).

"Đây dường như là một tai nạn. Tên lửa đã không bị đánh chặn. Đó là sự thật. Không một nước nào trên thế giới sở hữu một hệ thống phòng thủ có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, đặc biệt ở khoảng cách gần như vậy", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 18/11 cho biết.

Hôm 15/11, một tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow, kéo theo vụ nổ khiến 2 công dân của Ba Lan thiệt mạng. Przewodow cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 6km. Vụ nổ xảy ra trùng thời điểm Nga tiến hành đợt tập kích diện rộng vào hàng loạt mục tiêu hạ tầng năng lượng và sở chỉ huy quân sự trên khắp Ukraine.

Ban đầu, giới chức Ba Lan nói rằng, tên lửa rơi xuống Przewodow do Nga sản xuất, nhưng chưa rõ ai phóng. Tổng thống Duda sau đó cho biết, đây dường như là tên lửa phòng không mà Ukraine đã khai hỏa để đánh chặn "mưa" tên lửa của Nga. Ông đánh giá vụ việc là "tai nạn ngoài ý muốn".

Người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Ba Lan (BBN), ông Jacek Siewiera ngày 17/11 cho biết các bằng chứng do Ba Lan, Mỹ và NATO thu thập cho thấy tên lửa của Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. "Tất cả bằng chứng được thu thập từ NATO, Mỹ và từ phía chúng tôi cho thấy, đó là tên lửa S-300 do lực lượng phòng không Ukraine phóng đi", ông Siewiera nói, song không cung cấp thêm chi tiết.

Khi được hỏi tại sao hệ thống phòng không Ba Lan không đánh chặn tên lửa, ông Siewiera thừa nhận, không có hệ thống phòng không nào là không thể xuyên thủng. Ông cho biết: "Việc phát hiện tên lửa đánh chặn là một chuyện, bắn hạ nó lại là vấn đề khác". Ông cũng nói thêm, quân đội Ba Lan tin rằng tên lửa được phóng đi để đánh chặn một mục tiêu trên không "trên lãnh thổ Ukraine" và nó sẽ thực hiện nhiệm vụ.

Ba Lan cho rằng, Ukraine khai hỏa chỉ nhằm mục đích tự vệ, do vậy, Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Tuy nhiên, Ukraine đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc và đề nghị điều tra. Hiện các chuyên gia của Ukraine đã được tiếp cận hiện trường vụ nổ.

Về phía Nga, Moscow công bố phân tích ban đầu dựa vào hình ảnh các mảnh vỡ cho thấy tên lửa dường như từ hệ thống phòng không S-300 của Kiev.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, trong đợt tập kích ngày 15/11, lực lượng Nga không nhắm vào mục tiêu nào gần biên giới giữa Ukraine và Ba Lan. Theo Moscow, những thông tin ban đầu cáo buộc Nga liên quan đến vụ rơi tên lửa là sự khiêu khích chủ ý nhằm làm leo thang tình hình ở Ukraine.  

"Đây là một nỗ lực nhằm kích động đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO dẫn đến những hệ quả cho thế giới", Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky nói.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine