1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO lộ lỗ hổng phòng thủ sau vụ tên lửa "đi lạc" xuống Ba Lan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi một quả tên lửa rơi xuống Ba Lan gần biên giới Ukraine, giới chuyên gia nhận định, liên minh NATO dường như đang lộ lỗ hổng về phòng không ở cánh phía đông của khối.

NATO lộ lỗ hổng phòng thủ sau vụ tên lửa đi lạc xuống Ba Lan - 1

Một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (Ảnh: EPA).

Reuters đưa tin, Ba Lan đã bắt đầu tăng cường hệ thống phòng không từ trước khi một quả tên lửa đi lạc rơi xuống lãnh thổ nước này hôm 15/11. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sườn phía đông của liên minh NATO dường như vẫn đang thiếu một lá chắn vững chắc bảo vệ vùng không phận.

Giới chức phương Tây nhận định, quả tên lửa rơi xuống Ba Lan dường như là tên lửa phòng không của Ukraine đi lạc, chứ không phải là do Nga bắn ra.

Theo Reuters, trong một cuộc chiến khốc liệt, lỗi kỹ thuật là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng vụ tên lửa đi lạc cho thấy rằng NATO cần khẩn cấp "vá" lỗ hổng trong hệ thống phòng của khối, vì trên thực tế, những sai lầm như vậy có thể làm leo thang căng thẳng tình hình.

Một chuyên gia phòng không từ một quốc gia NATO giấu tên nói với Reuters: "Tai nạn như vậy xảy ra chỉ là vấn đề thời gian. Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng tên lửa của đối thủ bay lạc hướng do lỗi kỹ thuật hoặc do con người".

Nguồn tin quân sự cho biết, trong khi các tên lửa phòng không tiên tiến của phương Tây được thiết kế để tự hủy nếu chúng bắn trượt mục tiêu, các tên lửa cũ của Liên Xô lại không có cơ chế như vậy.

"Nếu bắn trượt mục tiêu, chúng chỉ đơn giản là bay tiếp cho đến khi đốt hết nhiên liệu rồi lao xuống", ông nói và cho biết thêm rằng các tên lửa cũ hơn cũng có tỷ lệ lỗi cao hơn.

Sau Chiến tranh Lạnh và NATO mất đi đối trọng lớn nhất là Liên Xô, nhiều quốc gia thành viên của liên minh đã giảm bớt quy mô hệ thống phòng không vì họ cho rằng, kể từ lúc này, họ sẽ chỉ phải đối phó với những mối đe dọa tên lửa một cách hạn chế.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến nhiều nước NATO thay đổi quan điểm. Nga là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và căng thẳng giữa Moscow và NATO đang leo thang dồn dập trong thời gian qua. Diễn biến này khiến các nước NATO hối hả gia tăng kho đạn và khắc phục tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không.

Đức có 36 tổ hợp Patriot khi nước này là quốc gia tiền tuyến của NATO trong Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, Đức chỉ còn 12 lá chắn Patriot, hai trong số đó được triển khai tới Slovakia.

"Sườn đông NATO từng là một vành đai thực sự của các hệ thống phòng không, nhưng giờ đây, chúng ta còn xa mới đạt được điều đó", chuyên gia quân sự trên nhận định.

Nhận thấy sự cần thiết phải khắc phục vấn đề, hơn 10 nước NATO do Đức dẫn đầu vào tháng 10 đã khởi động sáng kiến mua sắm chung các hệ thống phòng không. Họ đang để mắt đến Arrow 3 (ISRAI.UL) của Israel, Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức.

Sáng kiến này đến trong bối cảnh, Ukraine - bên đang hứng chịu các đòn tập kích dồn dập của Nga - cũng rất cần các lá chắn phòng không. Nó đặt ra thách thức cho NATO trong việc vừa bảo đảm viện trợ cho Ukraine, vừa duy trì lá chắn bảo vệ cho chính họ.

Ba Lan cùng với 3 quốc gia Baltic hiện đang nằm ở biên giới phía đông của NATO. Họ đã đầu tư trong nhiều năm để tăng cường năng lực phòng không vốn vẫn một phần dựa vào các hệ thống thời Liên Xô như tên lửa phòng không OSA và Kub.

Ba Lan gần đây đã nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ, nhưng các hệ thống phòng không của họ, ví dụ như Patriot đặt ở Rzeszow không có tầm bao quát đủ xa để lấp đầy những lổ hổng phòng thủ bầu trời ở sườn phía đông NATO, giới chuyên gia cảnh báo.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine