Lời kể của phi công lái những chuyến bay định mệnh từ "chảo lửa" Kabul
(Dân trí) - Với các phi công, các chuyến bay đưa người sơ tán khỏi Kabul, Afghanistan đặc biệt chưa từng thấy.
Thả mồi nhử, 30 phút gấp rút
Tiếp cận sân bay Kabul ở thủ đô Afghanistan những ngày qua là một nhiệm vụ đầy thử thách với các phi công khi tình hình trên mặt đất vô cùng hỗn loạn nhưng vẫn đòi hỏi phi công phải chính xác, gấp rút về mặt thời gian.
Việc hạ cánh ở sân bay Hamid Karzai, thủ đô Kabul, Afghanistan vốn không phải là dễ dàng với các phi công bởi sân bay được đặt ở địa hình cao, nhiều núi đồi bao quanh trong khi lưu lượng máy bay dày đặc. Để tránh những sự cố ngoài ý muốn, họ phải dựa vào Hệ thống Hướng dẫn tránh va chạm (TCAS).
Chia sẻ về trải nghiệm đầy thử thách khi cất và hạ cánh xuống sân bay Kabul trong tình trạng hỗn loạn những ngày qua, Stephen, cơ trưởng một máy bay vận tải quân sự A400M của Pháp, cho biết: "Khi vận hành một máy bay trong tình trạng như thế này, chúng tôi cần rất nhiều sự hỗ trợ từ mặt đất. Hệ thống này giúp chúng tôi xác định bối cảnh bên ngoài và lường trước các mối nguy".
Để tránh nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa, máy bay A400M đã phải thả mồi nhử hồng ngoại để đánh lạc hướng. Sau đó, máy bay phải hạ cánh thật nhanh xuống đường băng "để tránh các mối nguy trong quá trình hạ cánh", ông Stephen cho biết.
Vị cơ trưởng này ví lưu lượng hàng không tại sân bay Kabul tấp nập và "vận hành như một bản nhạc". "Máy bay của nhiều quốc gia muốn hạ cánh. Nếu tổ chức không chặt chẽ, các chuyến bay sẽ bị gián đoạn", ông nói. Ông cho biết thêm, các phi công phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình sắp đặt. Sau khi máy bay hạ cánh, họ chỉ được phép lưu lại ở sân bay không quá 30 phút.
Những đám đông hoảng loạn
Khi Taliban giành kiểm soát Kabul hôm 15/8, hàng nghìn người đã đổ xô về sân bay Kabul - con đường duy nhất rút khỏi Afghanistan vào lúc này.
Maqsoud Barajni, phi công của hãng hàng không Pakistan International Airlines (PIA), kể lại vào buổi sáng hôm đó khi ông hạ cánh xuống sân bay, mọi thứ dường như vẫn bình thường. Trong lúc chờ cất cánh chuyến bay chiều ngược lại, ông bắt đầu nhận ra rằng có những đám đông hoảng loạn bên ngoài, tình hình không hề bình thường.
Maqsoud Barajni, phi công của hãng hàng không Pakistan International Airlines (PIA), kể lại vào buổi sáng hôm đó khi ông hạ cánh xuống sân bay, mọi thứ dường như vẫn bình thường. Trong lúc chờ cất cánh chuyến bay chiều ngược lại, ông bắt đầu nhận ra rằng có những đám đông hoảng loạn bên ngoài, ngày càng nhiều người đổ xô vào bên trong sân bay khi có nhiều tiếng súng vang lên.
Khi Barjani chuẩn bị cho cất cánh máy bay thì bất ngờ nhân viên kiểm soát không lưu thông báo tất cả các chuyến bay thương mại đều bị đình chỉ. Dù biết không được phép cất cánh, nhưng sau đó, ông Barjani đã thảo luận với phi hành đoàn và đưa ra quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.
"Tôi trao đổi với cơ phó và chúng tôi nhất trí sẽ cất cánh kể cả khi không được phép. Đây không phải là một tình huống bình thường", ông Barjani cho biết.
Ông kể lại: "Sau khoảng một giờ theo dõi tình hình, cuối cùng tôi quyết định cất cánh. Tầm nhìn tốt giúp tôi tránh được các máy bay quân sự. Tôi gặp một số chiếc máy bay Chinook, trực thăng Gunship và một số máy bay chở hàng. Nếu chần chừ một vài phút, chúng tôi không thể làm được điều này. Đó là chuyến bay thương mại cuối cùng trong ngày 15/8".
Không lâu trước đó, Uzair Khan, một đồng nghiệp của ông cũng cho máy bay cất cánh từ sân bay Kabul. Ông Khan cho biết, lúc đó, ông đã phải tự trấn tĩnh khi các hành khách trên máy bay đều hoảng loạn. "Hầu hết hành khách đều thuộc nội các của Tổng thống Ashraf Ghani, hoặc làm việc trong chính phủ. Họ đang rời đất nước cùng gia đình. Họ giục chúng tôi cất cánh càng nhanh càng tốt", ông Khan nói. "Tôi không thể liên lạc với nhân viên mặt đất và phải tự xử lý tình hình", ông Khan kể lại và cho biết chiếc máy bay cuối cùng đã hạ cánh an toàn ở Islamabad, Pakistan.
Chuỗi ngày hỗn loạn ở sân bay Kabul vẫn chưa dừng lại ở đó. Các video, hình ảnh xuất hiện trên truyền thông những ngày qua cho thấy, nhiều người dân Afghanistan tuyệt vọng đã đu bám lên những máy bay vận tải quân sự của Mỹ đang cất cánh với hy vọng được sơ tán. Tuy nhiên, nhiều người đã thiệt mạng trước khi có thể thực hiện được mong muốn đó.
Chiều 26/8, hai vụ đánh bom liều chết liên tiếp ở khu vực gần sân bay cũng khiến hơn 100 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Giới chức Mỹ và một số nước khuyến cáo công dân tránh xa sân bay Kabul do lo ngại có thêm các vụ tấn công đẫm máu khác.