Lỗ hổng lá chắn phòng không Nga sau vụ nổ bí ẩn tại căn cứ quân sự
(Dân trí) - Giới quan sát phương Tây đã đặt ra nghi vấn về năng lực phòng không của Nga sau khi các căn cứ không quân nước này bị máy bay không người lái tấn công liên tiếp.
Roman Starovoit, Thống đốc vùng biên giới Kursk của Nga, ngày 6/12 thông báo một bồn chứa dầu đã bốc cháy sau khi sân bay Kursk bị tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Thành phố Kursk cách biên giới Ukraine khoảng 90km về phía bắc.
Hiện chưa rõ ai đứng sau cuộc tấn công nhằm vào sân bay Kursk, song tuần trước, ông Starovoit cáo buộc lực lượng Ukraine liên tục tập kích vùng này, khiến một nhà máy điện hư hại và gây ra tình trạng mất điện.
Vụ việc ở sân bay Kursk xảy ra chưa đầy một ngày sau khi Nga cáo buộc các UAV của Ukraine tấn công 2 căn cứ không quân của nước này ở Ryazan và Saratov, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách biên giới Ukraine từ 500-700km. Cuộc tập kích khiến 3 quân nhân thiệt mạng, 4 người bị thương, 2 máy bay bị hư hại.
Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, UAV của Ukraine đã bay tầm thấp và nhắm đến căn cứ đồn trú các máy bay ném bom của Nga ở Ryazan và Saratov. Một quan chức giấu tên của Ukraine cho biết, các UAV được phóng từ lãnh thổ Ukraine và ít nhất một cuộc tấn công được thực hiện với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm ở gần căn cứ giúp "chỉ điểm" cho các UAV.
Ukraine không lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào 2 căn cứ không quân của Nga. Tuy nhiên nếu thông tin được xác thực, đây có thể là vụ tập kích sâu nhất của Ukraine vào lãnh thổ Nga kể từ đầu xung đột.
Các tuyên bố của Nga cho thấy Ukraine có thể đã sử dụng máy bay không người lái trinh sát Tupolev Tu-141 hoặc Tu-143 để tấn công các căn cứ không quân Nga. Theo một số chuyên gia, các máy bay này có từ thập niên 1970, nhưng trong đợt tấn công lần này, chúng có thể được sửa đổi để mang theo chất nổ.
Trong khi đó, Ukraine hôm 4/12 tuyên bố nước này đã đạt được tiến bộ trong việc sản xuất máy bay không người lái chiến đấu nội địa mới với tầm hoạt động lên tới 1.000km.
Vụ tấn công để lộ lỗ hổng phòng không Nga
Oleh Zhdanov, nhà phân tích quân sự tại Kiev, cho rằng cuộc tấn công nhằm vào 2 căn cứ không quân Nga "là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Nga hơn là một đòn tấn công quân sự".
"Điều đó có nghĩa là không địa điểm nào ở phía tây của Nga nằm ngoài tầm tấn công của Ukraine", chuyên gia Zhdanov nhận định.
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, Nga nhiều khả năng sẽ coi các cuộc tấn công vào căn cứ không quân nước này là tổn thất lớn nhất về mặt chiến lược của lực lượng phòng vệ Nga kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra tại Ukraine.
Các nhà phân tích cho biết, không rõ tại sao hệ thống phòng không tinh vi của Nga không phát hiện ra mối đe dọa và tìm cách vô hiệu hóa, nếu thực sự Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái trinh sát Tupolev cũ để tấn công căn cứ không quân Nga.
"Máy bay không người lái Ukraine sẽ phải hiển thị trên radar: câu hỏi đặt ra là làm thế nào máy bay này có thể bay từ Ukraine qua lãnh thổ Nga mà không bị các hệ thống (phòng không) S-400 phát hiện, thậm chí sau đó còn tấn công các máy bay ném bom chiến lược tại một căn cứ quân sự", nhà phân tích Ukraine Oleksandr Musiyenko đặt câu hỏi.
"Chúng ta có thể kết luận rằng, hệ thống phòng không của Nga không thể đảm bảo việc bảo vệ các sân bay chiến lược của họ và họ phải thừa nhận điều này", ông Musiyenko nói thêm.
Một quan chức cấp cao của phương Tây nhận định, nếu Kiev đứng sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ không quân Nga, "điều đó cho thấy họ có thể hoạt động ở Nga bất kỳ khi nào họ muốn và điều đó sẽ khiến Nga vô cùng lo lắng".
Các quan chức phương Tây cho rằng, các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga sẽ giáng đòn tâm lý mạnh mẽ. Theo đó, Nga sẽ phải nghĩ đến việc di dời các máy bay ném bom tầm xa chiến lược khỏi các căn cứ quân sự gần biên giới và tìm cách bảo đảm an toàn cho các vũ khí quan trọng.
Đây không phải lần đầu tiên Moscow cáo buộc Ukraine sử dụng máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu bên trong biên giới Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine hồi tháng 7 đã sử dụng máy bay không người lái Tupolev Tu-143 mang chất nổ để tiến hành các cuộc tấn công ở các khu vực Belgorod và Kursk ở phía nam Nga, giáp biên giới với Ukraine.
Các nhà phân tích quân sự phỏng đoán, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga có thể là cách để Ukraine đáp trả các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Kiev.
Theo Vikram Mittal, giáo sư tại học viện quân sự West Point của Mỹ, các máy bay không người lái của Ukraine "có thể đã trải qua quá trình sửa đổi đáng kể để có khả năng ném bom và hoạt động như một máy bay không người lái tự sát".
"Đây không phải là công nghệ phức tạp", chuyên gia Jean-Christophe Noel thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho biết, ngụ ý rằng Ukraine chỉ đơn giản "sử dụng máy bay không người lái đã được sửa đổi để mang theo chất nổ khi tấn công mục tiêu".
Mick Ryan, một cựu tướng Australia theo dõi cuộc xung đột tại Ukraine, cho biết "khả năng của Ukraine trong việc nhắm mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy rất đáng chú ý". Ông nói thêm rằng, các lực lượng vũ trang của Ukraine "có thể đã có sự hỗ trợ của bên thứ ba trong việc lên kế hoạch tấn công, nhưng điều này không chắc chắn".
"Việc kết hợp các nguồn tài liệu mở, kiến thức về lỗ hổng mạng lưới phòng không của Nga và quan sát trên thực địa có thể đã đủ giúp Ukraine thực hiện cuộc tấn công", ông Ryan nhận định.
Theo chuyên gia Mittal, "điều thực sự đáng ngạc nhiên là các máy bay không người lái của Ukraine có thể vượt qua các hệ thống phòng không của Nga".
"Tu-141 là công nghệ của những năm 1970. Nếu hệ thống phòng không và radar của Nga không thể ngăn chặn một chiếc Tu-141 đã bay hàng trăm km để tấn công căn cứ không quân đặt các máy bay ném bom chiến lược của Nga, đó không phải là tín hiệu tốt cho khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công hàng loạt bằng tên lửa hành trình", chuyên gia Rob Lee tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ cho biết.