1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lộ diện nhân vật có thể đứng đầu "Vương quốc Hồi giáo" Afghanistan

Thanh Thành

(Dân trí) - Truyền thông thế giới đang chú ý tới một nhân vật có thể trở thành người đứng đầu "Vương quốc Hồi giáo" mà Taliban thành lập tại Afghanistan.

Lộ diện nhân vật có thể đứng đầu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan - 1

Thủ lĩnh cấp cao của Taliban Mullah Baradar (giữa) trong đoàn đàm phán tham dự hội nghị về hòa bình Afghanistan ở Moscow, Nga hồi tháng 3/2021 (Ảnh: Reuters).

Theo The Diplomat, Thủ lĩnh chính trị cấp cao nhất của Taliban, Mullah Abdul Ghani, hay còn được gọi là Mullah Baradar, được cho là đã trở về Afghanistan trong vị thế của "người chiến thắng" và hiện được xem là nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của quốc gia Nam Á này.

Các nguồn tin cho hay, Baradar đã đến thành phố Kandahar 2 ngày sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Nếu không trở thành lãnh đạo của một "Vương quốc Hồi giáo" do Taliban lập ra tại Afghanistan, Baradar cũng được cho là sẽ đảm nhận "một vai trò quan trọng trong chính phủ mới", theo một cựu quan chức chính phủ Afghanistan.

Baradar là thủ lĩnh chính trị của Taliban và được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của tổ chức này ở Doha vào tháng 1/2019. Trong hệ thống của Taliban, Baradar hiện chỉ đứng sau thủ lĩnh tối cao Haibatullah Akhundzada. Baradar là gương mặt đại diện cho Taliban trong vài năm qua, dẫn đầu nhóm này trong các cuộc đàm phán với Mỹ và với chính phủ Afghanistan. Baradar cũng dẫn đầu các phái đoàn ngoại giao của Taliban trong năm qua đến một số thủ đô, bao gồm Moscow (Nga), Islamabad (Pakistan), Tehran (Iran) và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Ôn hòa hay cực đoan?

Nhân vật Baradar được đánh giá là nhân vật phù hợp nhất để lãnh đạo chính phủ mới của Afghanistan. Một lý do quan trọng là hình ảnh xuất hiện khá "ôn hòa" của ông này.

Vai trò của Baradar trong các chiến lược ngoại giao chính trị cho cuộc xung đột Afghanistan đã khiến ông này có vẻ ngoài là một nhà chính trị hơn là một nhà lãnh đạo quân sự. Baradar cũng luôn cẩn trọng với các tuyên bố của mình và luôn đưa ra nhưng thông điệp hợp lý, thể hiện một giọng điệu mạnh mẽ nhưng không đối đầu.

Sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul tuần trước, ông Baradar đã xuất hiện trong một video tuyên bố: "Bây giờ phép thử đã đến. Giờ là thời điểm để nói về việc chúng ta sẽ phục vụ và bảo vệ an ninh cho người dân như thế nào, cũng như đảm bảo tương lai cho họ".

Taliban còn có một số thủ lĩnh khác, như "tiểu vương" Haibatullah Akhundzada, chỉ huy quân sự Mullah Yaqoob và giám đốc mạng lưới Haqqani - Sirajuddin Haqqani. Đây đều là những nhân vật có kiến thức về luật học Hồi giáo và năng lực quân sự. Tuy nhiên, các thủ lĩnh này nổi tiếng với quan điểm cực đoan và do đó, ít có khả năng được các chính phủ nước ngoài chấp nhận.

Việc Baradar lên nắm quyền lãnh đạo sẽ giúp chính phủ mới có vẻ ôn hòa hơn cũng như giúp chính phủ mới có cơ hội được công nhận rộng rãi.

Quan trọng hơn, Baradar được đông đảo thành viên Taliban tôn trọng và ủng hộ tuyệt đối. Ông ta là cộng sự thân thiết và phụ tá đáng tin cậy của người sáng lập Taliban Mullah Mohammed Omar. Mối quan hệ của Baradar với Omar bắt đầu từ những năm 1980; trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, cả hai thuộc cùng một nhóm mujahideen. Sau đó vào năm 1994, Omar cùng với Baradar thành lập Taliban.

Chính thâm niên và sự gần gũi với người sáng lập Mullah Omar mang lại cho Baradar một tầm vóc mà ít thủ lĩnh Taliban khác có thể sánh được.

Vị thế của ông Baradar trong Taliban tăng vọt sau khi ông ký kết thỏa thuận Doha vào tháng 2/2020, với việc Mỹ rút quân về nước. Theo nhà phân tích Abdul Basit, thỏa thuận đã được Taliban coi như một "văn kiện đầu hàng" với Mỹ, mang lại tính hợp pháp cho Taliban. Có các ý kiến cho rằng, chính ông Baradar đã thương lượng và ký kết văn bản đã thúc đẩy vị thế của ông này trong nhóm Taliban.

Dù xuất hiện với hình ảnh ôn hòa hơn, nhưng theo các chuyên gia, Baradar vẫn là một phần trong nhóm quyền lực của Mullah Omar, với hệ tư tưởng cực kỳ bảo thủ.

Ngoài ra, trước khi đảm nhận tư cách một nhà đàm phán chính trị, Baradar là một chiến binh và đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công quân sự của Taliban mà đỉnh điểm là cuộc chiếm giữ Kabul đẫm máu vào năm 1996.

Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, Baradar chạy sang Pakistan. Ông ta được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại nhóm, tiếp tục nổi dậy chống lại lực lượng liên minh và do đó đã tạo điều kiện giúp Taliban hồi sinh.

Trong những tuần và tháng tới, các nước sẽ lên chiến lược về cách đối phó với chính phủ mới của Afghanistan. Mặc dù sự thay đổi hình ảnh của Baradar sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm được sự ủng hộ cho chính phủ Taliban, các nước chắc chắn vẫn rất thận trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm