1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Taliban: "Thế giới không nên sợ chúng tôi"

Thành Đạt

(Dân trí) - Taliban tuyên bố lực lượng này mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.

Taliban: Thế giới không nên sợ chúng tôi - 1

Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid (Ảnh: AP).

"Thế giới không nên sợ chúng tôi. Chúng tôi cần được công nhận. Chúng tôi muốn có quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ", người phát ngôn Taliban Zabiullah Mujahid nói ngày 19/8.

Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban dường như đã thể hiện một hình ảnh rất khác so với trước đây. Giới quan sát cho rằng đây là chiến lược của Taliban nhằm thay đổi hình ảnh thành một lực lượng có trách nhiệm phù hợp để điều hành một quốc gia.

Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul hôm 16/8, ông Mujahid cho biết Taliban "không muốn có bất kỳ kẻ thù nào dù là bên trong hay bên ngoài đất nước". Người phát ngôn khẳng định có "sự khác biệt rất lớn" giữa lực lượng Taliban bây giờ và 20 năm trước.

"Chúng tôi đảm bảo với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước láng giềng, rằng Afghanistan sẽ không bị lợi dụng để chống lại họ", ông Mujahid cho biết.

Về khía cạnh quốc tế, Taliban cam kết "không muốn làm hại ai" và bảo đảm an toàn cho các cơ quan ngoại giao. Taliban khẳng định sẽ không để ai sử dụng Afghanistan là cứ điểm để tấn công nước khác. Taliban cũng sẵn sàng đối thoại, kêu gọi hòa bình, không muốn bị cô lập và muốn xây dựng quan hệ với cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen ngày 17/8 nói rằng, lực lượng này đang nhận được sự "ủng hộ về chính trị từ Nga và Trung Quốc" - 2 nước đang thừa nhận Taliban là "lực lượng quân sự và chính trị lớn". Đại diện của Taliban nói rằng, họ chưa nhận được bất kỳ sự ủng hộ tài chính nào từ Pakistan, Nga và Trung Quốc, nhưng "có mối quan hệ tốt với các nước này".

Ông Shaheen nhấn mạnh người dân Afghanistan cần sự hỗ trợ về kinh tế để thoát đói nghèo, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định người Afghanistan mong muốn một "chương mới hòa bình, cùng tồn tại một cách hòa bình và tái thiết đất nước".

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CGTN của Trung Quốc hôm 19/8, ông Shaheen cho biết Trung Quốc có thể đóng góp vào sự phát triển của Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Về phần mình, Trung Quốc đã "bật đèn xanh" với Taliban rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với chính phủ mới của Afghanistan, bất chấp sự do dự của các nước khác đối với Taliban.

"Taliban đã nhiều lần bày tỏ hy vọng phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và họ mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển Afghanistan. Chúng tôi hoan nghênh điều này. Trung Quốc tôn trọng quyền của người dân Afghanistan được tự quyết định vận mệnh của mình và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã liên hệ với Nga và Trung Quốc trong bối cảnh Afghanistan hỗn loạn nhằm đảm bảo một phản ứng quốc tế thống nhất đối với Taliban.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby ngày 19/8 cho biết "không có bất kỳ hành động thù địch nào" giữa Taliban và quân đội Mỹ hoặc công dân Mỹ đi qua cổng sân bay ở thủ đô Kabul. Ông Kirby cho biết các cuộc đối thoại với Taliban "vẫn đang diễn ra" để đảm bảo cả người Mỹ và người Afghanistan đều có thể đến sân bay an toàn và chờ sơ tán.