Lộ diện khách hàng đầu tiên mua tiêm kích tàng hình Su-57 Nga
(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Algeria đưa tin, quốc gia này là khách hàng đầu tiên mua tiêm kích tàng hình Su-57 Felon thế hệ mới của Nga.
Lộ diện khách hàng xuất khẩu đầu tiên của Su-57
War Zone đưa tin, đầu tuần này, Moscow đã công bố rằng một khách hàng nước ngoài giấu tên sẽ bắt đầu nhận các máy bay Su-57 trong năm nay. Đây được đánh giá là bước tiến đáng khích lệ, giúp cải thiện tình hình của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga, vốn đã gặp khó khăn trong hợp tác với Ấn Độ và các đơn đặt hàng hạn chế từ Bộ Quốc phòng Nga.
Truyền hình nhà nước Algeria cho biết, nước này đã đặt hàng Su-57 và các phi công Algeria đang được đào tạo tại Nga. Dự kiến, việc giao hàng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, nhưng số lượng và chi phí vẫn chưa được tiết lộ.
Rosoboronexport, tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh của Nga, đã xác nhận việc giao Su-57 cho một khách hàng nước ngoài tại triển lãm hàng không Aero India 2025 ở Ấn Độ, nhưng không tiết lộ danh tính quốc gia cụ thể nào.
Trước đó, tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2024, Rosoboronexport cũng đã công bố ký kết hợp đồng bán Su-57 cho một quốc gia nước ngoài.
Các nguồn tin chưa xác nhận cho rằng Algeria có thể mua 6 chiếc Su-57 ban đầu. Điều này có thể là để đánh giá hoặc là một phần của lô hàng ban đầu từ Nga. Tuy nhiên, việc giao Su-57 cho khách hàng nước ngoài trong năm nay vẫn còn nhiều nghi ngờ.
Sản lượng sản xuất chậm chạp của Su-57 là một trở ngại lớn cho các đơn đặt hàng xuất khẩu, đặc biệt nếu khách hàng yêu cầu số lượng lớn. Chương trình Su-57 đã tiến triển chậm chạp do thiếu đầu tư từ các đơn đặt hàng nước ngoài, đặc biệt sau khi Ấn Độ rút khỏi chương trình.
Trong khi đó, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga chỉ bắt đầu nhận Su-57 sản xuất hàng loạt từ năm 2022, với đơn đặt hàng 76 máy bay. Đến năm 2023, hơn 10 chiếc đã được bàn giao, nhưng số lượng giảm vào năm 2024.
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế đã ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng của Su-57. Nga đã cố gắng thu hút sự quan tâm nước ngoài bằng cách đề xuất sản xuất Su-57 trong nước và sử dụng hiệu suất chiến đấu của Su-57 ở Syria và Ukraine để quảng bá.
Phiên bản xuất khẩu Su-57E vẫn chưa xuất hiện dưới dạng phiên bản đời thật, mặc dù đã được giới thiệu tại các triển lãm hàng không. Su-57E có thể bị hạ cấp đôi chút và có hệ thống nhận dạng địch - ta khác so với những máy bay trang bị cho quân đội Nga.
Đối với Không quân Algeria, Su-57E sẽ là một bước tiến lớn, củng cố vị thế là lực lượng không quân mạnh nhất khu vực. Algeria đã có một lực lượng không quân mạnh mẽ với các thiết bị do Nga sản xuất và chi tiêu quốc phòng cao nhất ở châu Phi.
Việc mua Su-57 sẽ củng cố năng lực của Không quân Algeria, đồng thời, nó cũng nhấn mạnh mối quan hệ quốc phòng giữa Algeria và Nga. Tuy nhiên, số lượng Su-57 mà quốc gia này sẽ mua và thời gian giao hàng vẫn chưa rõ ràng.
Su-57 đã thực chiến, không sợ bị phòng không Ukraine bắn hạ
Truyền thông phương Tây cho rằng, tiêm kích Su-57 không phải chiến đấu cơ tàng hình, nên dễ bị phát hiện, vậy nó có đảm bảo an toàn trước lực lượng phòng không Ukraine? Câu trả lời là không sao, do máy bay thế hệ thứ năm chẳng dễ bị bắn hạ.
Ngay cả trang tin quân sự Military Observer của Mỹ cũng thừa nhận, dù không có khả năng tàng hình hoàn toàn nhưng tiêm kích Su-57 vẫn có thể nhanh chóng tiêu diệt đối phương nhờ khả năng cơ động cao, được trang bị cảm biến và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cũng như hiệu suất bay tuyệt vời.
Nguyên nhân quan trọng hơn nữa là hiện sức mạnh không quân của Ukraine về cơ bản đã bị tiêu diệt và hỏa lực phòng không của nước này đã bị suy yếu nghiêm trọng. Do vậy, lực lượng không quân chiến thuật Nga vẫn có thể yên tâm hoạt động, đặc biệt là Su-57 thường hoạt động ở rất xa tầm hỏa lực phòng không mà đối phương đang có.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, máy bay thế hệ thứ 5 có thể đạt được khả năng tàng hình ở thời điểm đầu những năm 2000. Tuy nhiên, khả năng này đang bị suy giảm đáng kể, với sự tiến bộ của công nghệ radar và tên lửa phòng không hiện đại.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi khái niệm tàng hình là khó quan sát, nhận diện trước một số bước sóng radar. Công nghệ tàng hình có thể hiệu quả với các băng tần radar sóng ngắn, năng lượng cao, nhưng lại khó đạt được hiệu quả nếu đối mặt với các băng tần radar sóng dài hoặc radar đa phổ.
Do vậy, việc không quân Nga tận dụng công nghệ tàng hình cũng như khả năng cơ động, khối lượng vũ khí mang theo lớn và hệ thống điện tử mạnh mẽ, giúp Su-57 mang lại hiệu quả chiến đấu tối ưu.
Hiện Nga có ưu thế về không quân, nhưng không phải là tuyệt đối, các phi vụ tấn công mặt đất phần lớn đang "trông chờ" vào phi đội Su-34, do vậy việc Su-57 sử dụng chế độ quái thú mang thêm tên lửa và thùng nhiên liệu treo bên ngoài, cũng không phải là vấn đề lớn.
Theo nghiên cứu của Mỹ, hầu hết các hành động của máy bay chiến đấu Nga được thực hiện ở khu vực xa mối đe dọa của phòng không Ukraine, nên việc giảm khả năng tàng hình không phải là vấn đề mang tính chất sống còn.
Quân đội Mỹ cũng sử dụng chế độ quái thú, khi nhiều máy bay chiến đấu F-22 và F-35 mang tên lửa và thùng nhiên liệu bên ngoài. Trong số các nhiệm vụ chiến đấu mà quân đội Mỹ đang thực hiện, hầu như không có mối đe dọa nào và việc chúng có tàng hình hay không, cũng không quá quan trọng.
Nếu đối thủ thiếu khả năng chiếm ưu thế trên không mạnh, họ cũng có thể sử dụng tên lửa không đối đất phóng đạn từ ngoài tầm nhìn để tấn công mục tiêu, sau đó tiếp tục tiếp cận đối phương bằng khả năng tàng hình, như vậy sẽ tăng gấp đôi khả năng hủy diệt.
Máy bay thế hệ thứ năm chỉ là tiêu chuẩn để phân loại trình độ kỹ thuật của máy bay quân sự hiện đại, không có nghĩa là chúng chỉ có thể hoạt động trong điều kiện tàng hình. Việc phát huy hết tính năng kỹ chiến thuật mới là điều quan trọng nhất.