1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

­­­­­­Lính tình nguyện tiết lộ cuộc chiến khốc liệt ở Bakhmut

Minh Phương

(Dân trí) - Bakhmut khốc liệt đến mức khi được triển khai tới mặt trận miền Đông Ukraine này, tuổi thọ trung bình của một người lính chỉ còn khoảng bốn giờ, một cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ cho biết.

­­­­­­Lính tình nguyện tiết lộ cuộc chiến khốc liệt ở Bakhmut - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo gần Bakhmut hôm 18/2/2023 (Ảnh: Getty).

Cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ Troy Offenbecker, người đang chiến đấu ở chiến trường Bakhmut, miền Đông Ukraine, chia sẻ với ABC News rằng, cảnh tượng ở Bakhmut vô cùng khủng khiếp.

Theo Offenbecker, một người lính Ukraine chiến đấu ở Bakhmut chỉ có thể sống được khoảng 4 giờ. "Tình hình ở mặt trận này rất khủng khiếp. Thương vong rất nhiều. Ở tiền tuyến, tuổi thọ của binh sĩ ước chừng chỉ 4 giờ", Offenbecker nói.

Thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk hiện là mặt trận đẫm máu nhất ở Ukraine. Lực lượng Nga và Ukraine giao tranh hơn 7 tháng qua để giành quyền kiểm soát thành phố được cho là có vai trò chiến lược này.

Offenbecker không chắc chắn liệu Ukraine có thể tiếp tục giữ thành phố này trong bao lâu. Trả lời ABC News, ông cho rằng cuộc tấn công mới của Nga với việc lấy Bakhmut làm trọng tâm đã bắt đầu.

Các báo cáo từ cả hai bên đều cho thấy thương vong nghiêm trọng. Có thông tin cho rằng Nga đang gặp khó khăn vì trang thiết bị cạn kiệt và lực lượng tân binh thiếu kinh nghiệm, song Offenbecker cho hay Nga liên tục tấn công Bakhmut với các cuộc pháo kích suốt ngày đêm.

Mark Cancian, Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Newsweek rằng, tình hình ở Bakhmut gợi nhớ đến Thế chiến I.

Ông Cancian cho biết, ông và các chuyên gia quân sự khác từng cho rằng cuộc tấn công của Nga sẽ mang tính bùng nổ, tức là một ngày nào đó mọi thứ trên chiến trường sẽ yên lặng và ngày tiếp theo sẽ là một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, theo ông, kịch bản đó không đúng với trường hợp của Bakhmut. Nga tập trung tăng cường tấn công vào khu vực với tốc độ dần dần, thay vì thực hiện một cuộc tấn công mang tính bùng nổ.

Nếu kiểm soát được Bakhmut, đây sẽ là chiến thắng lớn đầu tiên của Nga ở Ukraine kể từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, người Nga đang phải đối mặt với một cuộc chiến không dễ dàng. Ukraine đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của Nga nhờ viện trợ quân sự từ các quốc gia đồng minh.

Newsweek đưa tin hôm 20/2, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, quân đội Nga đã chịu nhiều thương vong, đặc biệt là ở Bakhmut. Cơ quan này dự đoán Nga có thể tuyên bố chiến thắng tại Bakhmut ngay cả khi không phải như vậy.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cũng cho rằng, Nga sẽ không thể giành quyền kiểm soát Bakhmut trong tuần này. ISW chỉ ra, bất chấp giao tranh khốc liệt, Nga dường như không "đẩy nhanh tốc độ tiến công" trong khu vực dù sắp đến mốc tròn một năm xung đột.

­­­­­­Lính tình nguyện tiết lộ cuộc chiến khốc liệt ở Bakhmut - 2

Bakhmut nằm ở tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền Đông Ukraine (Đồ họa: BBC).

Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine