Lầu Năm Góc: Ukraine muốn lấy lại toàn bộ lãnh thổ là điều "không thực tế"
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho rằng việc Ukraine muốn quay lại đường biên giới trước năm 2014 là không thực tế và gia nhập NATO cũng không phải một phần giải pháp cho cuộc xung đột.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ không đưa quân tới để tham gia nhiệm vụ bảo đảm hòa bình cho Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đạt được với Nga.
Bên cạnh đó, ông Hegseth cũng cho biết "sẽ là không thực tế" khi nghĩ rằng Ukraine có thể quay trở lại đường biên giới trước năm 2014 và loại trừ khả năng tư cách thành viên NATO của Ukraine như một phương thức đảm bảo an ninh cho Kiev.
Quan điểm trên được ông Hegseth đưa ra khi phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị các nước thành viên NATO và ngoài NATO tham gia viện trợ quân sự cho Ukraine, tổ chức ở Brussels, Bỉ ngày 12/2.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thẳng thắn bác bỏ mục tiêu cơ bản của Ukraine là giành lại toàn bộ lãnh thổ, gồm cả Crimea và các vùng đất ở Donbass nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ năm 2014.
"Chúng ta muốn chứng kiến một Ukraine có chủ quyền và thịnh vượng. Thế nhưng, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng việc Ukraine muốn quay trở lại đường biên giới trước năm 2014 là một mục tiêu không thực tế", ông Hegseth nói.
"Việc theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này chỉ làm cho cuộc chiến kéo dài thêm và mang đến nhiều đau khổ", người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ đồng tình rằng, một nền hòa bình lâu dài phải cần tới những đảm bảo an ninh mạnh mẽ để cuộc chiến sẽ không tái diễn nhưng nói rằng Mỹ sẽ không tham gia nỗ lực trên thực địa và đó cũng không thể là một hoạt động của NATO.
"Những đảm bảo an ninh này không nên được cung cấp thông qua tư cách thành viên NATO, mà thay vào đó phải được hỗ trợ bởi binh sĩ châu Âu và những binh lính không thuộc châu Âu", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
"Nếu những đội quân này được triển khai với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine tại bất kỳ thời điểm nào, họ nên được triển khai như một phần của nhiệm vụ không thuộc NATO và không nằm trong phạm vi của Điều 5. Ngoài ra, cũng phải có sự giám sát quốc tế chặt chẽ đối với đường giới tuyến".
Điều 5 của NATO quy định, một cuộc tấn công vũ trang vào một nước thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.
Ông Hegseth cho biết Washington hiện cần phải tập trung vào đối phó với những mối đe dọa khác và đảm bảo an ninh biên giới của nước Mỹ.
"Những thực tế chiến lược khắc nghiệt khiến Mỹ không chỉ toàn tâm toàn ý tập trung vào an ninh châu Âu. Trong khi Mỹ chuyển trọng tâm sang các mối đe dọa khác, các đồng minh châu Âu phải đứng ra lãnh trách nhiệm tiên phong", ông Hegseth phát biểu.
Những quan điểm nêu trên được đánh giá là một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ đối với Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2.
Quan điểm mà ông Hegseth đưa ra về Ukraine là một sự thay đổi lớn so với lập trường của chính quyền ông Joe Biden tiền nhiệm cũng như của nhiều nước đồng minh thân cận nhất với Kiev khi họ luôn tuyên bố ủng hộ Ukraine và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ.
Tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho thấy Kiev nhiều khả năng sẽ phải từ bỏ một số mục tiêu chính của mình, đó là giành lại lãnh thổ từ phía Nga và tư cách thành viên NATO.
Mặc dù trong phần lớn thời gian diễn ra xung đột, Ukraine luôn đặt mục tiêu buộc toàn bộ quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ nhưng Kiev ngày càng phải thừa nhận rằng việc lấy lại lãnh thổ bằng vũ lực là viễn cảnh không khả thi và ngoại giao sẽ là giải pháp thực tế hơn.