Lá chắn thép Patriot sẽ tác động thế nào tới chiến sự Nga-Ukraine?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, tổ hợp phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ sẽ giúp Ukraine gia tăng năng lực phòng không nhưng Kiev vẫn đối mặt nhiều thách thức trong chiến sự với Nga.
Mỹ công bố sẽ chuyển lá chắn phòng thủ Patriot đầu tiên cho Ukraine trong tuần này nhằm giúp Kiev nâng cao năng lực bắn rơi tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn, máy bay ở độ cao lớn hơn đáng kể so với các tổ hợp phòng không được viện trợ trước đây.
"Patriot sẽ làm tăng độ chính xác, tăng tỷ lệ đánh chặn, vì vậy nó thực sự làm chính xác những gì bạn muốn, đó là bảo vệ các mục tiêu trên mặt đất", Thiếu tướng Mỹ đã nghỉ hưu James "Spider" Marks nói với CNN.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, hệ thống radar của Patriot kết hợp các chức năng giám sát, theo dõi hiện đại, khiến nó trở nên nổi bật so với các tổ hợp khác. Hệ thống gần như tự động theo dõi, xác định các mối đe dọa trên không và chỉ cần quyết định phóng cuối cùng từ con người vận hành nó.
Patriot là một hệ thống đánh chặn phòng thủ tên lửa di động, đặt trên mặt đất. Nó có thể phát hiện, theo dõi và phá hủy máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật hoặc tầm ngắn.
Bệ phóng tên lửa có thể hoạt động tách biệt khỏi radar và trạm điều khiển và bắn tên lửa trong vòng chưa đầy 9 giây. Sau khi tên lửa được phóng, hệ thống sẽ truyền dữ liệu trở lại trạm radar, giúp dẫn đường cho tên lửa đến mục tiêu.
Mỹ quyết định cấp Patriot cho phía Kiev để phù hợp với tình hình thực tế trong bối cảnh Nga trong vài tháng qua liên tục tập kích dồn dập trên khắp lãnh thổ Ukraine.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Nga đã giành được ưu thế trên không ở Ukraine với dàn tiêm kích uy lực Su-30, Su-35, MiG-31. Các máy bay này thường bay cao và xa, phóng tên lửa tầm bắn vài trăm km vào để tập kích mục tiêu của Ukraine.
Nếu Ukraine nhận Patriot, Nga có thể sẽ buộc phải thay đổi chiến thuật, bằng cách hạ độ cao của các tiêm kích xuống để tránh bị Patriot dò ra. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy máy bay Nga rơi vào rủi ro khác, khi nó có thể bay vào tầm ngắm của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) của đối thủ.
Ít có khả năng tạo chuyển biến lớn
Tuy nhiên, Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ tại Châu Âu, cảnh báo rằng sự kỳ vọng về hiệu quả trên chiến trường của Patriot đang không thực tế.
Ví dụ, sau khi Mỹ đồng ý cấp Patriot, nó sẽ không thể đi vào tác chiến ngay. Ukraine sẽ mất vài tháng để được huấn luyện sử dụng Patriot - một tổ hợp rất phức tạp. Ngoài ra, phía Mỹ có thể sẽ phải hỗ trợ Ukraine trong việc bảo trì và sửa chữa Patriot trong ít nhất một năm trước khi Kiev có thể làm chủ được tình hình. Điều quan trọng nhất là Patriot không đủ tầm bao phủ cho toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Ông Hertling nói: "Patriot không thể di chuyển xung quanh chiến trường. Bạn sẽ đặt chúng ở đâu đó để bảo vệ mục tiêu chiến lược nhất của bạn, như một thành phố, ví dụ Kiev. Nếu bất cứ ai nghĩ rằng đây sẽ là một hệ thống trải rộng trên đường biên giới giữa Ukraine và Nga thì đó là do họ không biết hệ thống này hoạt động như thế nào".
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, dự đoán với CNN rằng Patriot "sẽ không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi" vì nó "vẫn chỉ có thể bảo vệ một khu vực tương đối nhỏ".
Những thách thức trên chưa kể tới nhu cầu hậu cần lớn để vận hành Patriot hiệu quả. Một khẩu đội sẽ cần 90 binh sĩ phụ trách hệ thống máy tính, kiểm soát giao chiến, radar mảng pha, thiết bị phát điện và tối đa 8 bệ phóng.
Mặt khác, một quả tên lửa đánh chặn của Patriot sẽ có giá trung bình khoảng 4 triệu USD, theo ước tính của CSIS. Với giá đắt như vậy, Patriot sẽ không thể được kích hoạt để bắn rơi mọi tên lửa, hay máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Nga vì chúng đơn giản là phương án đánh chặn không kinh tế, ông Hertling nói.
"Đây không phải là một hệ thống sẽ đánh chặn UAV hoặc tên lửa đạn đạo cỡ nhỏ. Nó có làm được không? Chắc chắn rồi. Nhưng khi bạn đang nói về việc bắn rơi một UAV trị giá 20.000 USD hoặc một tên lửa đạn đạo trị giá 100.000 USD của Nga bằng một tên lửa trị giá 3-5 triệu USD, điều đó sẽ không kinh tế", ông giải thích.
Mặt khác, theo ông Hertling, Patriot là hệ thống vũ khí phòng thủ, chống tên lửa đạn đạo và máy bay, với trọng tâm là phòng thủ.
"Bạn không thắng cuộc chiến bằng khả năng phòng thủ. Bạn giành chiến thắng trong các cuộc chiến với khả năng tấn công", ông nhấn mạnh.