1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo Hy Lạp hứng hậu quả nếu cấp lá chắn tên lửa cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga sẽ coi việc Hy Lạp cấp các tổ hợp phòng không S-300 cho Ukraine là "hành động thù địch" và Athens sẽ phải gánh "hậu quả".

Nga cảnh báo Hy Lạp hứng hậu quả nếu cấp lá chắn tên lửa cho Ukraine - 1

Một hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất (Ảnh minh họa: Sputnik).

"Hành động này (cung cấp S-300 cho Ukraine) sẽ vi phạm các thỏa thuận giữa Nga và Hy Lạp về hợp tác quân sự và kỹ thuật", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/12 nói.

Thỏa thuận mà bà Zakharova đề cập đến là hiệp ước ký kết năm 1995 và 2013 giữa Moscow và Athens về việc cấm Hy Lạp tái xuất khẩu thiết bị quân sự do Nga cung cấp mà chưa được sự đồng ý của Moscow.

"Chà đạp lên các cam kết của mình theo các hiệp ước nhất định sẽ phải gánh hậu quả", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.

Trước đó, RT ngày 18/12 đưa tin, Hy Lạp đang cân nhắc cung cấp cho Ukraine các tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 nếu Mỹ đồng ý trang bị cho Hy Lạp các tổ hợp MIM-104 Patriot để thay thế.

"Nếu Mỹ bố trí hệ thống Patriot trên đảo Crete sau khi lắp ráp và kết nối với hệ thống phòng thủ quốc gia của Hy Lạp, khi đó chúng tôi có thể di dời S-300", Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos phát biểu trong một cuộc họp.

Những tuyên bố gần đây của Hy Lạp trái ngược với quan điểm trước đó của nước này. Hồi tháng 6, chính ông Panagiotopoulos khẳng định, Hy Lạp sẽ không chuyển S-300 cho Ukraine bởi vì đất nước ông cũng cần lá chắn này.

Hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô phát triển, lần đầu tiên được Moscow trang bị vào cuối những năm 1970. Nó được sử dụng rộng rãi ở Đông Âu cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991.

Ban đầu, S-300 được sử dụng để đánh chặn các phương tiện tập kích đường không như máy bay, tên lửa có cánh và tên lửa hành trình. Các phiên bản gần đây, S-300 còn có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, máy bay tiêm kích tàng hình, các mục tiêu bay thấp. Nó được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không đánh chặn hiệu quả nhất thế giới hiện nay.

Đầu năm nay, khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh NATO chuyển các tổ hợp S-300 ở Đông Âu cho Kiev.

Vào tháng 4, Slovakia đã chuyển giao một tổ hợp gồm 4 bệ phóng tên lửa di động S-300 và radar tương ứng cho Ukraine. Đổi lại, Đức đồng ý trang bị hệ thống phòng không Patriot cho Slovakia.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đánh giá, Ukraine có thể dễ dàng vận hành và tích hợp S-300 bởi Ukraine cũng sở hữu và sử dụng khí tài này trong nhiều năm.

Mỹ hiện chưa phản hồi về đề nghị của Hy Lạp mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó khẳng định cam kết Washington sẽ hỗ trợ Kiev tăng cường hệ thống phòng không để đối phó các cuộc tập kích tên lửa diện rộng của Nga. Một số nguồn tin nói rằng, Mỹ sắp hoàn tất kế hoạch chuyển tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine.

Đáp lại thông tin này, Nga cảnh báo, bất cứ khí tài nào của Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine chỉ khiến chiến sự kéo dài và tất cả vũ khí này đều trở thành mục tiêu tấn công hoặc thu giữ của quân đội Nga.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine