Kỳ vọng từ chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Trump
(Dân trí) - Các vấn đề về an ninh, thương mại, hợp tác song phương cũng như đa phương được cho là sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump nhân chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ.
Tổng thống Donald Trump sẽ có chuyến công du đầu tiên tới châu Á trên cương vị nhà lãnh đạo Mỹ từ ngày 3-14/11 với các điểm dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Ngoài các cuộc gặp với nguyên thủ các nước, ông Trump cũng sẽ tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và các hội nghị của ASEAN tại Manila, Philippines.
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á lần này, nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến sẽ có một loạt hoạt động liên quan tới nhiều chủ đề mà 2 nước cùng quan tâm.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Ngoài ra, ông Trump dự kiến sẽ tới thăm gia đình của Megumi Yokota, công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc năm 1977 khi mới 13 tuổi, trong nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên phóng thích các con tin từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái gây căng thẳng trên biển, Thủ tướng Abe có thể đang chờ đợi sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do” của Nhật Bản nhằm đảm bảo tự do đi lại trên biển. Nhật Bản hiện có tranh chấp với Trung Quốc đối với một nhóm đảo trên biển Hoa Đông, trong khi Mỹ tuyên bố phạm vi hiệp ước an ninh của nước này với Tokyo bao trùm cả các đảo tranh chấp này.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe bắt tay tại cuộc gặp ở Mỹ hồi tháng 2 (Ảnh: AFP)
Thương mại được cho là một trong số những vấn đề khiến Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe khó tìm được tiếng nói chung. Tổng thống Trump ủng hộ các thỏa thuận thương mại song phương, trong khi Thủ tướng Abe đề cao các cơ chế hợp tác đa phương như TPP. Mặc dù đây sẽ không phải là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Trump khi tới Nhật Bản, song hai nhà lãnh đạo được cho là vẫn sẽ đề cập tới trong các cuộc hội đàm.
Nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Abe có thể đang chờ đợi các thỏa thuận hợp tác công nghệ với Mỹ, đặc biệt là hệ thống tàu siêu tốc. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận hợp tác trong một số khía cạnh công nghệ khác như phương tiện giao thông tự lái hoặc máy tính phát triển trí tuệ nhân tạo.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 8/11 và vấn đề Triều Tiên được cho là sẽ xuất hiện trong nội dung bài phát biểu này. Trước đó, ông Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc hội đàm cấp cao lần thứ 3 vào ngày 7/11. Giới quan sát đang chờ đợi các bước đột phá của liên minh Mỹ - Hàn trong việc đối phó với mối đe dọa từ chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Ngoài ra, thông qua cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, hai nước cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết các bất đồng trong một số vấn đề như việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến từ phía Mỹ sang phía Hàn Quốc nhằm cho phép Seoul tăng cường khả năng quân sự để tự đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Trong 2 ngày thăm Hàn Quốc, Tổng thống Trump dự kiến sẽ tới thăm Trại Humphreys, một căn cứ quan trọng mới của Mỹ ở thành phố cảng Pyeongtaek cách thủ đô Seoul 70 km về phía nam. Giới chuyên gia nhận định Hàn Quốc sẽ thể hiện sự sẵn lòng trong việc đóng góp một phần đáng kể ngân sách quân sự nhằm chia sẻ gánh nặng với Mỹ, đồng thời xoa dịu sức ép từ phía Tổng thống Trump.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng từng yêu cầu các đồng minh như Hàn Quốc chi trả nhiều hơn cho hợp tác quốc phòng. Hiện Seoul chi trả một nửa ngân sách, tương đương 830 triệu USD, để duy trì hoạt động của 28.000 binh sĩ Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ đề cập tới vấn đề Triều Tiên như trong chuyến công du tới Hàn Quốc. Bắc Kinh được cho là sẽ phải đối mặt với sức ép từ nhà lãnh đạo Mỹ trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, nhân chuyến thăm của ông Trump, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số nhượng bộ nhằm giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, đổi lại Mỹ sẽ hạn chế gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Sau vụ phóng tên lửa ngày 15/9 bay qua lãnh thổ Nhật Bản, trong những tuần gần đây, Triều Tiên dường như “im hơi lặng tiếng” một cách bất thường. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang theo dõi sát sao chuyến công du của ông Trump, đồng thời chờ đợi thời điểm phù hợp để tiến hành các động thái khiêu khích tiếp theo.
Việt Nam
Giới phân tích hy vọng Tổng thống Trump sẽ tái khẳng định các cam kết của Mỹ đối với khu vực khi tới thăm Việt Nam. Mặc dù Mỹ đã rút khỏi TPP, song quan hệ hợp tác an ninh song phương giữa hai nước vẫn tiếp tục được duy trì ổn định.
Hồi tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Nhà Trắng và có cuộc gặp với Tổng thống Trump. Tiếp đó, chính phủ Mỹ cũng đã chuyển giao 6 tàu tuần duyên để hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động tuần tra trên biển.
Philippines
Tại Philippines, Tổng thống Trump được cho là sẽ tái khẳng định các cam kết của Mỹ với vai trò là một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Ông Trump có thể sẽ phát đi thông điệp rằng khu vực Đông Nam Á vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Washington.
Ngoài ra, khi tham dự các sự kiện của khối ASEAN tại Philippines, Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ đưa ra một chính sách kinh tế và an ninh chi tiết hơn nhằm xoa dịu các mối lo ngại xuất phát từ việc Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như sự quan tâm của Washington trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.
Nhà lãnh đạo Mỹ được cho là sẽ huy động tiếng nói của khu vực Đông Nam Á trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Trump có thể sẽ hối thúc các nước ASEAN tăng cường nỗ lực để đối phó với các mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Liên quan tới vấn đề nội bộ của Philippines, Tổng thống Trump được cho là sẽ lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống ma túy của người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte, nhưng sẽ tránh đề cập tới việc hàng nghìn người thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Thành Đạt
Theo Straitstimes