1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mức độ thân tình của Tổng thống Trump và các lãnh đạo châu Á

(Dân trí) - Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới một loạt quốc gia châu Á vừa qua đã phần nào cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa ông chủ Nhà Trắng với lãnh đạo của các nước trong khu vực.

Với Thủ tướng Nhật Bản - mối quan hệ thân thiết nhất

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cho cá ăn khi nhà lãnh đạo Mỹ tới Tokyo (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cho cá ăn khi nhà lãnh đạo Mỹ tới Tokyo (Ảnh: Reuters)

“Donald và Shinzo làm cho liên minh càng vĩ đại hơn” là câu khẩu hiệu được in trên những chiếc mũ với chữ ký của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe khi nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Nhật Bản hôm 5/11. Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cũng đã cùng nhau chơi golf và thưởng thức món bít tết yêu thích của ông chủ Nhà Trắng.

Tại Tokyo, Tổng thống Trump đã ca ngợi tình bạn của ông với Thủ tướng Abe là điều “chưa từng có tiền lệ” trong lịch sử quan hệ song phương Mỹ - Nhật. Mối quan hệ thân thiết này bắt đầu từ chuyến đi tới Mỹ của Thủ tướng Abe từ trước khi Tổng thống Trump chính thức nhận nhiệm sở. Khi đó, ông Abe đã tặng Tổng thống đắc cử Trump một cây gậy đánh golf mạ vàng.

Mặc dù liên minh Mỹ - Nhật đã tồn tại từ lâu, song giới chức Nhật Bản nhận định mối quan hệ gần gũi giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump không giống mối quan hệ “công việc” giữa ông Abe và cựu Tổng thống Barack Obama trước đây. Những bất đồng trong một số vấn đề như thương mại cũng không ngăn cản Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe chơi golf với nhau 2 lần và cùng nhau dùng bữa nhiều lần.

“Có vẻ như ông Trump luôn tham vấn ý kiến của ông Abe khi có chuyện gì đó xảy ra trên thế giới, đặc biệt là các vấn đề ở khu vực Đông Á, trong đó có vấn đề Triều Tiên”, Tiến sĩ Yasushi Watanabe tại Đại học Keio nói với Straits Times.

Theo Phó Giáo sư Elvin Lim, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, “ông Abe được xem là một trong những người bạn thân thiết hơn (của Tổng thống Trump)”.

“Về mặt địa chính trị, mối quan hệ này cũng có ý nghĩa nhất định vì Trung Quốc, đối thủ của Nhật Bản, cũng lại là đối thủ của Mỹ”, Phó Giám sư Lim nhận định.

Với Chủ tịch Trung Quốc - mối quan hệ “tôn trọng”

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Trump tại thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Trump tại thủ đô Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump theo nghi thức “cấp nhà nước +” chưa từng có với hàng loạt nghi thức cấp cao như bắn đại bác, quốc yến và một số sự sắp xếp đặc biệt. Cụm từ “cấp nhà nước +” chưa từng được Trung Quốc sử dụng cho chuyến thăm của một lãnh đạo nước ngoài kể từ năm 1949. Trong ngày đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ tới Trung Quốc, ông Trump và ông Tập đã ăn tối cùng nhau và xem nghệ thuật kịch truyền thống ở Tử Cấm Thành.

Tổng thống Trump cũng “đáp lễ” Chủ tịch Tập Cận Bình bằng một đoạn video quay lại cảnh cháu ngoại ông, bé gái Arabella Kushner, hát và đọc thơ bằng tiếng Trung Quốc. Đoạn video này cũng được chiếu trong quốc yến chiêu đãi Tổng thống Trump và phu nhân do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì tại Tử Cấm Thành.

Trên đường trở về Mỹ sau chuyến công du châu Á, Tổng thống Trump đã chia sẻ rằng: “Một mối quan hệ luôn luôn đóng vai trò quan trọng. Nhưng mối quan hệ đó không nhất thiết phải gần gũi. Đó là mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng. Đối với tôi, một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng quan trọng hơn bất kỳ thứ gì khác, bao gồm cả tình bạn”.

Mặc dù trước khi bắt đầu chuyến thăm, Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc vì sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước, tuy nhiên trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn dành những lời có cánh cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo nhận định của Tiến sĩ Watanabe, nhìn bên ngoài ông Trump và ông Tập vẫn đang “cố gắng hòa thuận” với nhau.

Nhà phân tích Shihoko Goto chuyên nghiên cứu về Đông Bắc Á thuộc Chương trình châu Á của Trung tâm Woodrow Wilson cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn nằm ở vị trí cao trên thang đo về mức độ tôn trọng của Tổng thống Trump, tuy nhiên xét về mối liên kết cá nhân với ông chủ Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện vẫn ở mức thấp.

“Ông Trump công nhận Trung Quốc là cường quốc lớn nhất ở châu Á, đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ dành sự tôn trọng cao cho lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, Mỹ cũng quan ngại về tiềm năng của Trung Quốc cũng như vị trí “thống trị” vững chắc của nước này ở châu Á”, bà Goto nhận định.

Với Tổng thống Philippines - mối quan hệ đồng cảm

Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte dự tiệc tối tại thủ đô Manila (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte dự tiệc tối tại thủ đô Manila (Ảnh: Reuters)

Khi Tổng thống Trump tới Philippines, ông đã nói những câu bông đùa với Tổng thống Rodrigo Duterte. Về phần mình, ông Duterte cũng không ngần ngại lên sân khấu và hát tình ca tặng Tổng thống Trump theo đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ. Trước đó, giới truyền thông từng gọi Tổng thống Duterte là “Donald Trump ở phương Đông” vì sự tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo với phong cách mạnh mẽ và phát ngôn cứng rắn.

Theo Tiến sĩ Watanabe, vào thời điểm nhậm chức, cả Tổng thống Trump và Tổng thống Duterte đều được đánh giá là không đi theo những chuẩn mực thông thường của các chính trị gia. Đây cũng là điểm chung để hai nhà lãnh đạo có thể chia sẻ với nhau.

Chuyên gia Lim Tai Wei tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhân định quan hệ song phương giữa Mỹ và Philippines đã khởi sắc đáng kể trong thời gian gần đây sau khoảng thời gian trầm lắng do sự bất đồng giữa Tổng thống Duterte và cựu Tổng thống Obama về vấn đề nhân quyền tại quốc đảo Đông Nam Á.

Với Tổng thống Hàn Quốc - mối quan hệ thân mật

Tổng thống Trump bắt tay Tổng thống Moon trong cuộc họp báo tại Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Tổng thống Trump bắt tay Tổng thống Moon trong cuộc họp báo tại Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Hàn Quốc là điểm dừng chân ngắn nhất trong chuyến công du châu Á qua 5 nước của Tổng thống Trump. Mặc dù vậy, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Hàn Quốc vẫn được mô tả là thân mật, đúng chuẩn mực và quy củ. Tổng thống Trump cũng không có bất kỳ phát ngôn cứng rắn gây tranh cãi nào trong chuyến thăm này.

Tuy vậy, ông Trump và ông Moon vẫn có sự bất đồng, đặc biệt trong vấn đề Triều Tiên. Trong khi Tổng thống Hàn Quốc, một cựu luật sư nhân quyền, ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ thiên về cách tiếp cận cứng rắn để buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán.

Theo Phó Giáo sư Lim, mặc dù Tổng thống Moon không phải là nhà lãnh đạo thuộc “gu” của Tổng thống Trump khi hai nhà lãnh đạo bắt đầu mối quan hệ song phương, song mối quan hệ này vẫn được đánh giá là thân mật vì nhà lãnh đạo Mỹ vẫn phải duy trì quan hệ với đồng minh Hàn Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp