Kịch bản nào cho "thùng thuốc súng" Gaza sau lệnh ngừng bắn?
(Dân trí) - 11 ngày giao tranh giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine đã tạm dừng sau lệnh ngừng bắn, nhưng các bên còn nhiều việc cần làm để đảm bảo hòa bình thực sự cho "chảo lửa" Gaza.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza đã chính thức có hiệu lực từ ngày 21/5, sau 11 ngày 2 bên liên tục không kích và nã rocket, tên lửa về phía nhau.
Cuộc giao tranh thứ 4 và tồi tệ nhất giữa 2 bên trong 7 năm qua bùng phát từ ngày 10/5, sau khi người Palestine ở Đông Jerusalem xô xát và xung đột với lực lượng an ninh Israel vài ngày trước đó. Hamas là bên khai hỏa trước và đã nã hơn 4.300 rocket cùng đạn cối về phía Nhà nước Do Thái trong 11 ngày, làm 12 người ở Israel thiệt mạng.
Israel đáp trả bằng các vụ không kích dữ dội, làm 248 người Palestine thiệt mạng, bao gồm 66 trẻ em.
Dù lệnh ngừng bắn đã được thiết lập với cả 2 bên đều tuyên bố chiến thắng, nhưng người Palestine ở Dải Gaza hiện vẫn đang "mắc kẹt" trong dải đất hẹp vì bị Israel phong tỏa suốt 15 năm qua, theo chuyên gia Hugh Lovatt từ Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (Anh).
Điều mà cả thế giới quan tâm lúc này là cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Dải đất hẹp 2 triệu dân giáp Địa Trung Hải này vốn đã lao đao vì dịch Covid-19 trước khi xung đột xảy ra, nay lại hứng chịu thêm thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế quá tải vì con số thương vong tăng vọt.
Trước khi lệnh ngừng bắn đi vào hiệu lực, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo khoản ngân sách 7 triệu USD cho các hoạt động "phản ứng khẩn cấp toàn diện". WHO cho biết, ưu tiên lúc này nên là "tạo điều kiện tiếp cận ngay lập tức hoặc thường xuyên cho các nguồn cung cấp y tế, nhân viên y tế và bệnh nhân trong và ngoài Gaza và thiết lập các hành lang nhân đạo ".
Chỉ một số ít các khoản hỗ trợ trên sẽ được đưa tới khu vực do chính quyền Palestine quản lý ở Bờ Tây, còn phần lớn sẽ được đưa tới Gaza, nơi cơ sở xét nghiệm Covid-19 duy nhất đã tê liệt vì bị trúng hỏa lực Israel. Tại đây, nguồn điện hiện giờ chỉ có đủ để cấp 4 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Quỹ Ứng phó Khẩn cấp của Liên Hợp Quốc cho biết các đoàn xe cứu trợ đã được điều tới Gaza và họ đã duyệt chi 18,5 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo tại đây.
Kịch bản nào cho Gaza?
Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng mang tính ngắn hạn, giải quyết khẩn cấp cuộc khủng hoảng nhân đạo. Câu hỏi đặt ra là, sau lệnh ngừng bắn này, làm sao để giải bài toán khó ở Dải Gaza khi dải đất này vẫn đang bị phong tỏa từ mọi hướng.
Ông Fabrizio Carboni, giám đốc khu vực Cận Đông và Trung Đông của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, nói rằng "về việc phong tỏa, tôi cho rằng đây sẽ là một phần của một cuộc thảo luận và thương lượng chính trị lớn hơn".
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là nhiều chính phủ nước ngoài từ chối hợp tác với Hamas. Mỹ và Liên minh châu Âu coi Hamas là "tổ chức khủng bố" và họ hợp tác với chính quyền Palestine ở Bờ Tây, do phe đối lập của Hamas, Fatah, quản lý.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như muốn "hợp tác với chính quyền Palestine ở Bờ Tây để hỗ trợ phục hồi lại Gaza, trong khi làm suy yếu Hamas", theo ông Lovatt.
Tuy nhiên, với việc Hamas vẫn đang nắm quyền kiểm soát Gaza, ông Lovatt đánh giá chiến lược của Mỹ hiện "thiếu tính thực tế và khủng hoảng tương tự có thể tiếp tục xảy ra ở Gaza trong tương lai".
"Với việc thiếu đi nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giải quyết những nguyên nhân cốt lõi dẫn tới xung đột giữa các bên ở Gaza, một cuộc chiến thứ 5 giữa Hamas và Israel sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian", ông Lovatt cảnh báo.
Chính giới Mỹ cũng nhận ra vấn đề này. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cho biết ông cảm thấy "nhẹ nhõm" khi nghe tin lệnh ngừng bắn đã được kích hoạt, nhưng "quan ngại sâu sắc rằng việc thiếu đi các tiến triển có ý nghĩa cho 'giải pháp hai nhà nước', sẽ có thể tiếp tục châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan bùng phát và dẫn tới một vòng lặp bạo lực bi thảm mới".
Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders cho rằng một lệnh ngừng bắn ở Gaza là "chưa đủ" để có thể mang hòa bình thực sự tới khu vực.