Không quân Nga thay đổi chiến thuật để chặn đà phản công của Ukraine
(Dân trí) - Không quân Nga đã dùng Su-34 phóng tên lửa Kh-38ML, phá hủy các cây cầu tại Kharkov, Ukraine. Đáng chú ý, Su-34 chỉ là phương tiện phóng, còn UAV Orlan dẫn đường cho tên lửa đánh trúng mục tiêu.
Màn "song kiếm hợp bích" giữa Su-34 và UAV Orlan-10
Trong tuần qua, đã xảy ra một loạt cuộc không kích của Nga nhưng hầu như không được giới truyền thông chú ý. Tuy nhiên, Nga có thể dùng cách thức này để đối phó cuộc phản công của Ukraine trong tương lai.
Kênh quân sự Rybar của Nga cho biết, 4 cây cầu nhỏ dọc theo lòng sông Oskol, gần làng Senkovo, thuộc vùng Kharkov đã bị tên lửa khai hỏa từ máy bay Su-34 của Không quân Nga phá hủy. Bốn cây cầu bị phá hủy nằm ở đoạn sông gần thành phố Kupyansk.
Tuy chỉ là bốn cây cầu nhỏ, nhưng cuộc tấn công được thực hiện một cách có hệ thống bởi Không quân Nga đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển hậu cần của quân đội Ukraine cho thành phố Kupyansk đang bị quân Nga áp sát và gây khó khăn cho việc phản công của lực lượng Kiev.
Diễn biến trên có vẻ không có gì lớn, nhưng trên thực tế rất quan trọng, đánh dấu sự thay đổi của cả chiến thuật và vũ khí của Không quân Nga.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên tên lửa không đối đất Kh-38M, dẫn đường bằng laser thử nghiệm thực chiến, đánh dấu thành công về một loại vũ khí mới trong kho vũ khí hàng không của Nga.
Thứ hai, tên lửa Kh-38ML được tiêm kích bom Su-34 khai hỏa từ cự ly 35km, nhưng điều khiển cho tên lửa đánh trúng mục tiêu lại là UAV trinh sát Orlan-10.
Đây là sự "kết hợp hoàn hảo" giữa phương tiện mang phóng vũ khí và phương tiện trinh sát. Đánh dấu sự trưởng thành về chiến thuật và kỹ thuật của Không quân Nga.
Bước tiến của UAV trinh sát Orlan-10 của Nga
Lần đầu tiên Không quân Nga thực hiện việc sử dụng UAV Orlan dẫn đường cho tên lửa được phóng đi từ máy bay chiến đấu. Trong quá khứ, Không quân Nga đã tổ chức tấn công kiểu "song kiếm hợp bích" như vậy, nhưng là giữa máy bay chiến đấu Su-30SM (hoặc Su-35) phối hợp với Su-34.
Việc sử dụng UAV Orlan dẫn đường cho vũ khí tấn công, là bước phát triển về kỹ thuật và chiến thuật, cho phép đánh giá rằng Nga đã phát triển thành công phương tiện chỉ thị mục tiêu bằng laser lên loại UAV trinh sát chủ lực của họ.
Chiến thuật kết hợp giữa máy bay chiến đấu mang vũ khí và UAV trinh sát Orlan-10, tạo yếu tố bất ngờ cho Ukraine, đồng thời đảm bảo an toàn cho máy bay chiến đấu mang vũ khí, khi chúng không phải bay quá gần vào khu vực mục tiêu, để chiếu xạ laser dẫn bắn cho tên lửa.
Phương thức này tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công trên không của Nga. Lúc này những chiếc máy bay có thể đóng vai trò như những "ngựa thồ vũ khí", phóng tên lửa và thả bom từ xa, còn việc điều khiển tên lửa và bom đến mục tiêu sẽ do UAV Orlan-10 đảm nhiệm.
Theo một số chuyên gia, những chiếc tiêm kích bom Su-34, được trang bị tên lửa hành trình, có khả năng tăng cường đáng kể năng lực tấn công tầm xa của Nga.
Họ cho rằng, việc Nga sử dụng chiến thuật dùng tiêm kích bom Su-34 kết hợp với UAV trinh sát Orlan, có thể gây khó khăn đối với Ukraine ở khu vực chiến tuyến.
Chưa hết, khi những chiếc Su-34 được sử dụng để phóng tên lửa tầm xa, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về phòng không của Ukraine, đặc biệt là trong mùa đông khắc nghiệt.
Chiến thuật "song kiếm" giữa Su-34 và UAV Orlan tổ chức như thế nào?
UAV Orlan làm nhiệm vụ trinh sát, khi phát hiện mục tiêu sẽ truyền thông tin về trung tâm điều khiển bằng hình ảnh video theo thời gian thực, tham số mục tiêu được lựa chọn truyền trực tiếp cho phi công Su-34 đang chờ sẵn trên không.
Lúc này trắc thủ điều khiển UAV Orlan bắt đầu bật thiết bị chỉ định mục tiêu bằng laser và chiếu xạ vào mục tiêu. Tên lửa hoặc bom từ máy bay chiến đấu Su-34 nhận chùm tia laser và sử dụng nó để tính toán các điều chỉnh đường bay cần thiết.
Tham số sau đó được truyền đến hệ thống điều khiển của tên lửa, hệ thống này thực hiện những thay đổi cần thiết đối với cánh lái hoặc vòi phun phản lực của tên lửa, để lái tên lửa (bom) đến mục tiêu.
Tên lửa Kh-38ML, vũ khí chiến thuật mà Không quân Nga còn thiếu
Tên lửa Kh-38ML là loại tên lửa không đối đất chiến thuật, trọng lượng 520kg, được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức công phá cao nặng tới 250kg, được thiết kế để gây sát thương tối đa khi va chạm.
Đầu đạn của tên lửa có khả năng phá hủy nhiều loại mục tiêu khác nhau, khiến nó trở thành vũ khí linh hoạt chống lại cả mục tiêu cố định và di động. Đầu đạn của Kh-38ML được thiết kế để phá hủy các mục tiêu ẩn và lộ, nhờ sự kết hợp giữa hiệu ứng nổ và phân mảnh.
Xét về đặc tính kỹ thuật, Kh-38ML có tầm bắn tối đa khoảng 40km, cho phép nó tấn công các mục tiêu ở cự ly an toàn đáng kể. Tên lửa có kích thước và trọng lượng tương đối nhỏ, là vũ khí chiến thuật mà Không quân Nga còn thiếu.
Giai đoạn đầu và giữa, tên lửa Kh-38ML được dẫn đường bằng hệ thống dẫn đường quán tính, đảm bảo quỹ đạo bay ổn định và theo dõi mục tiêu chính xác. Ở giai đoạn cuối, tên lửa được dẫn đường bằng laser, cho phép tấn công các mục tiêu đang di chuyển với độ chính xác cao.
Tên lửa còn có hệ thống lái tự động kỹ thuật số, giúp tăng cường độ ổn định và khả năng kiểm soát chuyến bay.
Kh-38ML sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, mang lại một số lợi thế so với động cơ nhiên liệu lỏng như đáng tin cậy hơn và dễ bảo trì hơn vì chúng không yêu cầu các quy trình tiếp nhiên liệu phức tạp.
Việc sử dụng nhiên liệu rắn cũng mang lại tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao hơn, cho phép tên lửa tăng tốc nhanh chóng và đạt tốc độ lớn hơn. Tên lửa Kh-38ML có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ở cả độ cao thấp và cao, khiến nó trở thành vũ khí linh hoạt cho nhiều tình huống tác chiến khác nhau.