1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không quân Nga dùng chiến thuật "leo cao, ngoặt gấp" khiến Ukraine lo lắng

Minh Phượng

(Dân trí) - "Leo cao, ngoặt gấp" là chiến thuật đặc biệt hiệu quả của Không quân Nga khi sử dụng bom lượn có điều khiển ở chiến trường Ukraine.

Không quân Nga dùng chiến thuật leo cao, ngoặt gấp khiến Ukraine lo lắng - 1

Tiêm kích bom đa năng Su-34 (Ảnh: Không quân Nga).

Lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga (viết gọn là Không quân Nga hay VKS Nga) đang gia tăng những cuộc tấn công bằng bom lượn có điều khiển vào các vị trí của quân đội Ukraine ở chiến tuyến.

Việc Không quân Nga ồ ạt sử dụng bom lượn có điều khiển được truyền thông phương Tây ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển cả về kỹ thuật và chiến thuật.

Bom lượn đầu tiên của Nga ban đầu không có điều khiển và có độ chính xác thấp. Theo thống kê của Pucará Defensa, vào khoảng tháng 6/2023, trung bình cứ 10 quả bom do VKS Nga thả xuống, có ít nhất 5 quả lệch mục tiêu ở khoảng cách 200-500m; 4 quả cách hồng tâm hơn 500m, chỉ duy nhất 1 quả có sai số vòng tròn dưới 200m.

Lý do thiếu độ chính xác là do bom thiếu hệ thống dẫn đường, người Nga khi đó chỉ có thể lắp cánh lượn cho bom bay xa hơn, chứ chưa có mô-đun dẫn đường (UMPK). Có vẻ như họ đã mất vài tháng để thử nghiệm và cải thiện chúng, cũng như trau dồi chiến thuật sử dụng.

Chiến thuật chính khi Không quân Nga sử dụng bom lượn như sau: chiến đấu cơ bay thấp bám địa hình, sau đó nhanh chóng leo cao, lên đến khoảng 9.000m, thả bom rồi rẽ ngoặt gấp, để lại một vệt trắng trên bầu trời và người dân dưới mặt đất có thể ghi lại bằng điện thoại di động.

Việc máy bay chiến đấu của Nga dùng chiến thuật bất ngờ leo cao, không chỉ giúp bom bay được xa hơn, mà còn khiến tên lửa phòng không Ukraine không kịp phản ứng hoặc nếu có thì cũng khó tiếp cận vì khi đó mục tiêu đã vượt ra khỏi tầm bắn hiệu quả.

Sự cố 3 chiếc Su-34 Nga bị bắn hạ trong ít phút hồi cuối năm ngoái - theo truyền thông Ukraine - dường như không ảnh hưởng gì đến chiến thuật này, bởi chúng ta thấy Không quân Nga vẫn ném bom hàng ngày ở hầu khắp các mặt trận, đặc biệt là ở Kherson, Bakhmut và Avdiivka.

Như đã giải thích ở trên, các mẫu bom lượn đầu tiên của VKS Nga có một bộ cánh gấp, đủ để bom có thể bay xa khoảng 60km. Tuy nhiên, đó không phải là một giải pháp hoàn hảo, nhưng "có còn hơn không" nhất là trong bối cảnh họ mất một số máy bay chiến đấu, khi phải bay thấp trên đỉnh mục tiêu để cắt bom. Độ chính xác của bom khi dùng cánh lượn là dưới 1-2km.

Sau đó, bom lượn của Nga có thêm hệ thống dẫn đường quán tính, có thể dẫn đường khi bom rời giá phóng. Trong tháng 4 và tháng 5/2023, VKS đã bắt đầu thử nghiệm các mẫu MPC/UMPK được trang bị máy thu GPS/GLONASS và sau đó cũng được trang bị các cánh lái được thiết kế để điều khiển bom chính xác vào mục tiêu.

Không quân Nga dùng chiến thuật leo cao, ngoặt gấp khiến Ukraine lo lắng - 2

Tiêm kích bom đa năng Su-34 của Không quân Nga (Ảnh: The Drive).

Từ tháng 6 đến tháng 7/2023, các nguồn tin của Ukraine xuất hiện các thông tin cho biết, VKS Nga đã bắt đầu lắp đặt các hệ thống đối phó điện tử trên bom lượn sử dụng mô-đun MPC/UMPK ở chiến trường.

Theo các chuyên gia, mặc dù hàm lượng công nghệ của bom lượn không quá cao, nhưng ưu điểm chính của chúng là yếu tố bất ngờ. Khi bom xuất hiện, quân Ukraine không có thời gian để ẩn nấp, vì vậy ngay cả khi chúng đi chệch khỏi mục tiêu trong phạm vi 200m cũng đã đủ mang tới mối đe dọa rất lớn.

Đồng thời, các mục tiêu của Ukraine đã phải hứng chịu những đợt ném bom lớn và kéo dài, lên đến vài tuần liên tiếp vào mùa hè này. Ví dụ, bom lượn có điều khiển FAB-250M-62, được thả xuống mục tiêu ở Malaya Tokmachka (phía bắc Rabotino thuộc mặt trận Zaporizhia), đủ để phá hủy hai ngôi nhà, ngay cả khi nó rơi cách 200m so với tâm mục tiêu.

Thậm chí, khi một quả bom nặng 500kg phát nổ ở bất cứ đâu trong bán kính 200m quanh bạn, nó "có cảm giác" khá mạnh, chuyên gia mô tả sức mạnh của bom khi phát nổ.

Không quân Nga không chỉ sử dụng các loại bom có sức công phá nhỏ, mà họ đã thực hiện cuộc không kích có độ chính xác cao các mục tiêu của Ukraine tại Kherson bằng bom lượn hạng nặng có điều khiển FAB-1500M54.

Đoạn video quay lại vụ ném bom FAB-1500M54 được blogger nổi tiếng người Nga Ilya Tumanov đưa lên Telegram, hay còn được biết đến với cái tên FighterBomber.

Bài đăng của blogger trên đề cập rằng phi hành đoàn Su-34 đã sử dụng bom lượn có điều khiển FAB-1500M54 để tấn công mục tiêu của Ukraine. Theo thông tin được cung cấp, đoạn video được quay cách đây vài tháng, nhưng nó thể hiện rõ ràng tính hiệu quả của loại bom hạng nặng này.

"Phi hành đoàn Su-34 gửi lời chào hướng Kherson với sự hỗ trợ của bom lượn FAB-1500M54 UMPC", thông điệp đi kèm video cho biết.

Bom hạng nặng FAB-1500 chứa khoảng 700kg thuốc nổ, với mô-đun dẫn đường (UMPC), có thể giúp phi công thả bom với độ chính xác so với mục tiêu là 5m và diện tích bị ảnh hưởng rộng hơn 2km2.

Mỗi chiếc tiêm kích bom đa năng Su-34 của Nga có khả năng mang theo 2 quả bom như vậy (và trong tương lai là 4 quả) có thể gây sát thương lớn trong một lần xuất kích.

Không quân Nga dùng chiến thuật leo cao, ngoặt gấp khiến Ukraine lo lắng - 3

Bom lượn đang được Nga sử dụng phổ biến để oanh kích các mục tiêu Ukriane (Ảnh: The Drive).

Báo New York Times dẫn lời quan chức quân đội Ukraine cho biết, bom lượn của Nga đang tấn công các vị trí của Ukraine một cách hiệu quả, thậm chí xuyên thủng các boongke dưới lòng đất và gây ra mối đe dọa đáng kể cho quân đội nước này, khiến ngay cả những binh lính dày dạn kinh nghiệm, quen với việc pháo kích cũng cảm thấy ghê gớm và lo sợ.

Olexandr Solon'ko, một binh sĩ Ukraine bày tỏ sự lo lắng khi thẳng thắn nói rằng, "bom lượn là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của quân đội Ukraine". 

Trong cuộc phỏng vấn với Daily Telegraph hồi tháng 5/2023, người phát ngôn không quân Ukraine Yury Ignat thừa nhận không thể đánh chặn bom lượn và loại vũ khí này đã gây ra "mối đe dọa rất nghiêm trọng. Đôi khi chúng tôi có thể đánh chặn tên lửa S-300, nhưng những quả bom này là một vấn đề".

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine