Khoảnh khắc UAV "sát thủ" Nga dùng trí tuệ nhân tạo phá hủy pháo Ukraine
(Dân trí) - Truyền thông Nga đăng tải đoạn video được mô tả là cho thấy UAV tự sát Lancet của Nga sử dụng trí tuệ nhân tạo để phá hủy một hệ thống hỏa lực của Ukraine.
Chuyên trang quân sự Avia Pro đưa tin, cuối tuần trước, UAV Lancet của Nga đã phá hủy hệ thống hỏa lực phóng loạt RM-70 Vampire của Ukraine.
Điểm đặc biệt trong cuộc tấn công này là Lancet đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện và lao xuống mục tiêu. Nga đã trang bị cho Lancet hệ thống tự động nhận diện mục tiêu.
Đoạn video ở hiện trường cho thấy dù phía dưới có nhiều các vật thể khác, nhưng trí tuệ nhân tạo đã giúp Lancet phát hiện ra mục tiêu cần tấn công và phá hủy chính xác.
Một ưu điểm khác là khả năng Lancet có thể hoạt động tự động. Những UAV này có thể tuần tra các khu vực cụ thể và dựa trên các thuật toán tích hợp, chủ động tấn công các mối đe dọa, làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi của người vận hành và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Lancet là một trong những loại UAV hiệu quả nhất của Nga. Nó được trang bị một số hệ thống định vị mục tiêu dựa trên tọa độ, quang điện tử. UAV này có kênh liên lạc đặc biệt để truyền hình ảnh các mục tiêu và xác nhận việc phá hủy chúng thành công.
Ngoài ra, vật liệu và lớp sơn của UAV Lancet còn giúp loại vũ khí hiện đại này miễn nhiễm với các loại vũ khí đánh chặn bằng tia laser. Quân đội Nga cũng khẳng định UAV Lancet có thể được cải tiến để trở thành những hệ thống "mìn trên không" nhằm vào các máy bay không người lái của quân đội Ukraine.
Moscow liên tục cập nhật Lancet để thích nghi với tình hình chiến trường. Ví dụ, phiên bản cũ của Lancet nặng 11kg có thể hoạt động tối đa tới 40km. Nga gần đây đã nâng cấp Lancet lên phiên bản mới có tầm bắn 80km.
Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, UAV Lancet được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Theo ông, Lancet đang thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.
Cho tới nay, mục tiêu Lancet tấn công nhiều nhất chính là pháo binh Ukraine, bao gồm cả pháo tự hành. Theo Viện RUSI (Anh), Nga giờ đây sử dụng Lancet như vũ khí phản pháo.
Thông thường, pháo binh sẽ là vũ khí để tấn công ngược lại pháo binh của đối phương, nhưng tầm bắn xa của Lancet và khả năng tìm kiếm các mục tiêu ẩn giấu trên mặt đất mang lại cho nó những lợi thế lớn.
Theo nhà sản xuất, Lancet có nhiều lợi thế so với các vũ khí khác. Thứ nhất, nó hoạt động theo cơ chế "bay lảng vảng", tức là luôn được triển khai trên không và sẵn sàng tấn công mục tiêu bất cứ lúc nào, kể cả mục tiêu di động như HIMARS. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong một cuộc chiến thực sự.
Thứ 2, nó khá nhỏ, nhẹ nên nó gần như tàng hình trước radar phòng không truyền thống. Thứ 3, giá thành của nó khá rẻ nếu so với các loại đạn tấn công chính xác cao truyền thống.