1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kho vũ khí phía sau "mưa" tên lửa của Hamas trút xuống Israel

Thành Đạt

(Dân trí) - Kho vũ khí gồm hàng nghìn tên lửa đã được lực lượng vũ trang Hamas của Palestine sử dụng triệt để trong cuộc giao tranh với quân đội Israel tuần qua.

Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket từ Dải Gaza
Kho vũ khí phía sau mưa tên lửa của Hamas trút xuống Israel - 1

Rocket được phóng từ Dải Gaza về phía lãnh thổ Israel trong cuộc tấn công ngày 12/5 (Ảnh: JPost).

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, các tên lửa được sử dụng trong các cuộc tấn công từ Gaza nhằm vào lãnh thổ Israel trong những ngày qua đều sử dụng công nghệ quen thuộc, bao gồm các tên lửa được bắn lần đầu tiên trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vào năm 2014. Tuy nhiên, cách thức Hamas sử dụng các tên lửa này có thể đã thay đổi.

"Ấn tượng của tôi là tên lửa mà người Palestine sử dụng (gần đây) không khác về công nghệ, nhưng khác về kích thước so với loại tên lửa từng được sử dụng vào năm 2014", Uzi Rubin, kỹ sư quốc phòng từng đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Tên lửa của Israel, nhận định, đồng thời cho rằng tên lửa mới của Hamas có đầu đạn nặng hơn.

Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Hamas Abu Ubaidah ngày 13/5 nói rằng, lực lượng này đã sử dụng một tên lửa mới có tên gọi "Ayyash 250" để tấn công mục tiêu gần Tel Aviv. Hamas cho biết tên lửa có tầm bắn hơn 240 km, tuy nhiên thông tin này chưa được xác thực.

Theo Washington Post, hiện vẫn chưa có sự thống nhất về quy mô kho tên lửa của Hamas. Michael Herzog, một lữ đoàn trưởng đã nghỉ hưu thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel và hiện là thành viên của Viện Washington, ước tính Hamas có thể sở hữu từ 8.000 đến 10.000 tên lửa.

Một số nhà phân tích nói rằng rất khó để biết chính xác kho tên lửa mà Hamas và Nhóm Thánh chiến Hồi giáo đã thu thập được là bao nhiêu, nhưng số lượng tên lửa dường như đã tăng lên.

"Các kho vũ khí của Hamas lớn hơn so với năm 2014, dù trước đó chúng đã có quy mô lớn rồi", chuyên gia Rubin nói thêm.

Theo chuyên gia Herzog, phần lớn tên lửa của Hamas là tên lửa tầm ngắn, có tầm bắn từ 9-19 km tính từ biên giới. Tuy nhiên, kho vũ khí của Hamas cũng có "một số lượng đáng kể" tên lửa tầm xa, có khả năng vươn tới các khu dân cư lớn trên khắp lãnh thổ Israel.

Fabian Hinz, nhà phân tích tình báo độc lập chuyên về tên lửa Trung Đông, nói rằng mặc dù Hamas và các nhóm vũ trang khác dường như đang cố gắng bổ sung hệ thống dẫn đường chính xác cho tên lửa của mình, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã thành công.

"Trong một số cuộc tấn công, tên lửa đã bắn mục tiêu khá tốt. Tuy nhiên có thể đó là những cú bắn may mắn", ông Hinz nhận định.

Chi phí tên lửa

Kho vũ khí phía sau mưa tên lửa của Hamas trút xuống Israel - 2

Kho rocket của Hamas (Ảnh: Washington Post).

Chuyên gia tên lửa Uzi Rubin, người được xem là "cha đẻ" của hệ thống phòng thủ tên lửa Israel, cho rằng ngay cả những tên lửa "tốt nhất" của Hamas cũng được chế tạo tương đối đơn giản, rẻ tiền và không có tầm bắn mở rộng.

Theo Jerusalem Post, khác với tổ chức Hezbollah ở Li Băng, lực lượng có một số loại tên lửa tầm xa đắt tiền với độ chính xác cao, chuyên gia Rubin cho rằng tên lửa tầm xa của Hamas có độ chính xác còn kém hơn so với tên lửa tầm ngắn của lực lượng này.

Ước tính tên lửa tầm ngắn chủ lực của Hamas, Qassam, cũng chỉ có giá dao động từ 300 USD đến 800 USD/quả.

Hiện có ít thông tin công khai hơn về giá của các tên lửa tầm xa hơn của Hamas như R-160, M-302D, M302-B, J-80, M-75, Fajr 3, Fajr 5 và M-75 thế hệ thứ hai. Tuy nhiên Tal Inbar, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Viện Fisher, ước tính chi phí của những loại tên lửa này rơi vào khoảng vài nghìn đô la cho mỗi quả, gấp hai đến ba lần so với những tên lửa tầm ngắn hơn.

Mặc dù vậy, con số trên vẫn rất "khiêm tốn" so với giá thành của các tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt nổi tiếng của Israel - ước tính khoảng 50.000 đến 100.000 USD cho mỗi quả.

Chuyên gia Herzog cho rằng, bằng cách bắn nhiều tên lửa trong khoảng thời gian ngắn như trong cuộc giao tranh tuần qua, dường như Hamas đang cố gắng áp đảo hệ thống Vòm Sắt của Israel. Tuy nhiên, hệ thống Vòm Sắt, với tỷ lệ đánh chặn thành công khoảng 90%, có lẽ vẫn đang giữ ưu thế.

Mặc dù vậy, lá chắn phòng thủ tên lửa của Israel rất tốn kém, vì nước này phải chi hàng chục nghìn USD cho mỗi tên lửa thuộc hệ thống Vòm Sắt.

Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock ở Canada, người đã nghiên cứu tính hiệu quả của Vòm Sắt, cho biết theo số liệu do quân đội Israel công bố, gần một nửa số tên lửa được bắn từ Gaza đã bị Israel đánh chặn. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các cuộc xung đột trước đó vào năm 2019 và 2014.

Hamas lấy vũ khí từ đâu?

Kho vũ khí phía sau mưa tên lửa của Hamas trút xuống Israel - 3

Các chiến binh Hamas đứng cạnh một bệ phóng tên lửa ở Gaza (Ảnh: Getty Images).

Một số loại vũ khí của Hamas có nguồn gốc từ nước ngoài như rocket Fajr-3 và Fajr-5 từ Iran, rocket M302 từ Syria. Ngoài ra, Hamas hiện nay cũng có thể tự sản xuất rocket với tầm bắn lên tới 160 km, tức là có thể bao phủ phần lớn lãnh thổ Israel.

Mặc dù các chiến binh Hamas được cho là từng buôn lậu vũ khí qua biên giới Ai Cập, nhưng con đường đó hầu như đã bị phong tỏa kể từ khi Ai Cập trấn áp hoạt động này sau khi Tổng thống Abdel Fatah al-Sissi lên nắm quyền vào năm 2013.

Al-Monitor đưa tin, mặc dù ngày càng khó tìm được vũ khí lắp ráp hoàn thiện từ nước ngoài, nhưng các thủ lĩnh Hamas từng "khoe" trong một chương trình của kênh Al Jazeera vào tháng 9 năm ngoái rằng, họ đã tìm cách lén đưa tên lửa Fajr và tên lửa chống tăng Kornet của Nga vào Gaza thông qua đường bộ và đường biển.

Hiện tại, Hamas sản xuất phần lớn vũ khí của mình tại các cơ sở ở Gaza bằng cách sử dụng các nguyên liệu tự chế và nhập lậu, với công nghệ học hỏi từ Iran và nhóm chiến binh Hezbollah của Li Băng.

Ian Williams, thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đồng thời là Phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa, nhận định rằng việc bắn tên lửa từ Gaza trong những ngày qua cho thấy sự liên quan rõ rệt hơn của Iran trong chương trình vũ khí của Hamas.

"Chúng tôi nhận ra điều đó dựa vào số lượng tên lửa mà Hamas có thể tạo ra, cường độ của chúng, cũng như quy mô và sự phối hợp của các tên lửa. Chúng lớn hơn so những gì chúng tôi từng thấy trước đây", Ian nói.