1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kế hoạch toàn diện của Ukraine có thể là bước đầu cho đàm phán với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về "kế hoạch toàn diện" nhằm chấm dứt xung đột có thể là những bước thăm dò đầu tiên cho mục tiêu cuối cùng: ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Kế hoạch toàn diện của Ukraine có thể là bước đầu cho đàm phán với Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Kiev rằng ông đang lên một kế hoạch mới cần sự ủng hộ của phần lớn thế giới.

"Chúng tôi sẽ phát triển các điểm khác trong kế hoạch hòa bình và chuẩn bị một kế hoạch toàn diện để đặt lên bàn của tất cả đối tác. Điều quan trọng với chúng tôi là phải đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến sự được phần lớn các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Đó là con đường ngoại giao chúng tôi đang thực hiện", ông Zelensky nói.

Ông nêu rõ, các cuộc đàm phán hòa bình chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian như trường hợp đạt được thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022.

Chuyên gia an ninh và quan hệ quốc tế Mark Sleboda nhận định, đây có thể coi là những bước thăm dò đầu tiên liên quan tới việc Kiev sẵn sàng hướng tới đàm phán với Moscow.

Ông Sleboda giải thích: "Việc ông ấy nói rằng sẵn sàng đối thoại với Nga thông qua một bên trung gian vào một thời điểm không được tiết lộ trong vài tháng tới, tôi đoán đó là sự tiến triển, nhưng không nhiều. Có khả năng đây là bước đi thăm dò đầu tiên, một bước tiến, hai bước lùi theo hướng là cuối cùng cũng sẽ phải đàm phán để chấm dứt xung đột".

Ông Zelensky đưa ra những bình luận này không lâu sau hội nghị hòa bình Ukraine lần đầu tại Thụy Sĩ hôm 15-16/6. Hội nghị có sự tham dự của gần 80 quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối tham dự và một số quốc gia bên ngoài phương Tây có ảnh hưởng, bao gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út, từ chối ký tuyên bố chung. Iraq và Jordan thậm chí yêu cầu xóa chữ ký của họ một ngày sau khi họ ký.

"Phần còn lại của thế giới nói rằng họ muốn đàm phán hòa bình thực sự. Và có lẽ, ít nhất đây là một cái gật đầu theo hướng đó", ông Sleboda nói.

Theo ông Sleboda, bình luận của ông Zelensky cũng phần nào phản ánh thực tế chiến trường gần đây khi Kiev đối mặt với thế khó trước các cuộc tiến công quy mô lớn của Moscow.

Tuy nhiên, ông Sleboda cho rằng, ông Zelensky vẫn cần cẩn trọng với các phe phái Banderite ở Ukraine, vốn luôn phản đối đàm phán với Nga. Phức tạp hơn nữa là vấn đề pháp lý giữa hai nước.

Năm 2022, ông Zelensky ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Moscow không coi ông Zelensky là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối tháng 5. Thay vào đó, Moscow chỉ công nhận quyền lực hợp pháp của quốc hội Ukraine.

Ông Sleboda suy đoán rằng "không có khả năng đàm phán giữa Kiev và Nga". Ông tin Nga thực sự cần đàm phán với đồng minh được ủy quyền ở Kiev, đó là Mỹ, đồng thời nói thêm rằng điều đó sẽ không xảy ra chừng nào Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tại vị.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm