IMF gửi 350 triệu USD tiền mặt cho Myanmar ngay trước đảo chính
(Dân trí) - Myanmar đã nhận được 350 triệu USD tiền mặt từ IMF chỉ vài ngày trước khi "binh biến" xảy ra tại nước này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước đã gửi 350 triệu USD tiền mặt cho chính phủ Myanmar. Đây là một phần trong gói hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á đối phó với đại dịch Covid-19.
Vài ngày sau đó, đảo chính xảy ra tại Myanmar. Quân đội Myanmar sáng 1/2 đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử khác, sau đó tuyên bố lên nắm quyền.
Theo Reuters, IMF dường như có rất ít khả năng thu hồi khoản hỗ trợ 350 triệu USD từ Myanmar. Theo các nguồn tin am hiểu về khoản hỗ trợ này và các chuyên gia tài chính quốc tế, đây là một phần trong chương trình hỗ trợ Covid-19 được giải ngân nhanh chóng và gần như không có điều kiện đi kèm, được hội đồng IMF phê duyệt vào ngày 13/1.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao mọi diễn biến. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tác động của các sự kiện đối với nền kinh tế và người dân Myanmar", một phát ngôn viên của IMF nói với Reuters ngày 2/2.
Phát ngôn viên của IMF xác nhận khoản hỗ trợ 350 triệu USD dành cho Myanmar đã được hoàn tất vào tuần trước.
Mỹ coi diễn biến vừa xảy ra tại Myanmar là một cuộc đảo chính và đây cũng là cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Joe Biden phải đối mặt kể từ khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 1.
Ông Biden cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các tướng lĩnh của Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản viện trợ nước ngoài dành cho Myanmar.
Mỹ là nước đóng góp chính cho IMF - tổ chức đã hỗ trợ cho Myanmar 700 triệu USD để đối phó với dịch Covid-19 trong 7 tháng qua, bao gồm cả khoản hỗ trợ mới được cấp tuần trước.
Khác với những chương trình hỗ trợ thông thường của IMF, vốn đi tiêu chuẩn và điều kiện, các khoản hỗ trợ khẩn cấp hỗ trợ chống dịch Covid-19 thường được cung cấp nhanh chóng và không có ràng buộc.
"Đây không phải chương trình (hỗ trợ) được đàm phán, cũng không có điều kiện đi kèm và không có đánh giá về các khoản giải ngân. Tôi chưa từng thấy khoản hỗ trợ nào IMF phê duyệt khẩn cấp mà có thể thu hồi lại được", Stephanie Segal, nhà kinh tế học của IMF và là quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Theo một nguồn tin, viễn cảnh khả quan nhất là chính phủ Myanmar sẽ vực dậy sau cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại và sẽ chi tiêu khoản hỗ trợ một cách phù hợp, vì Myanmar vẫn muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với IMF.
Một cơ quan tương đồng với IMF tại Myanmar là Ngân hàng Trung ương Myanmar. Nguồn tin trên hy vọng, ngân hàng này sẽ duy trì sự độc lập với Bộ Tài chính Myanmar.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar, lực lượng đang tạm thời nắm quyền lãnh đạo, đã bổ nhiệm ông Than Nyein làm thống đốc ngân hàng mới của Myanmar. Trước đó, ông Than từng nắm giữ vị trí này từ năm 2007-2013.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 1/2 cho biết cơ quan này đặc biệt quan ngại về cuộc đảo chính tại Myanmar, cảnh báo rủi ro có thể xảy ra với việc chuyển giao quyền lực cũng như triển vọng phát triển của Myanmar. Ngân hàng Thế giới đã cung cấp hơn 150 triệu USD cho Myanmar kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát cách đây 1 năm.