1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do quân đội Myanmar giữ kín tung tích của bà Aung Suu Kyi

Minh Phương

(Dân trí) - Quân đội Myanmar tiếp tục giam giữ lãnh đạo của chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi và không cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến tung tích và tình hình hiện tại của bà.

Lý do quân đội Myanmar giữ kín tung tích của bà Aung Suu Kyi - 1
Bà Aung San Suu Kyi, người được coi là biểu tượng dân chủ ở Myanmar (Ảnh: Getty)

Tung tích và tình trạng sức khỏe của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo thực quyền của chính phủ dân sự ở quốc gia Đông Nam Á này, vẫn chưa được tiết lộ kể từ khi bà bị quân đội bắt giữ trong một cuộc đột kích rạng sáng 1/2.

Aljazeera dẫn lời một quan chức của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) cho biết, ông đã nắm được thông tin rằng sức khỏe của bà Suu Kyi hiện vẫn ổn và vẫn bị giam lỏng tại nhà riêng ở thủ đô Naypyitaw.

"(Quân đội) hiện không có kế hoạch chuyển bà Aung San Suu Kyi và bác sĩ Myo Aung đi nơi khác. Tôi được biết, họ vẫn khỏe mạnh", Kyi Toe, một thành viên NLD, cho biết trên Facebook ngày 2/2. Hiện chưa rõ bằng cách nào ông Kyi Toe có được các thông tin đó. Ông Kyi Toe cũng cho biết, các nghị sĩ quốc hội của NLD bị bắt trong cuộc đột kích sáng 1/2 đã được trả tự do.

Một nghị sĩ khác của NLD cũng cho biết, bà Suu Kyi đang bị quản chế tại nhà riêng ở Naypyitaw. "Chúng tôi được thông báo không phải lo lắng. Nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng, sẽ đỡ lo lắng hơn nếu có thể thấy dù chỉ một bức ảnh (của bà Suu Kyi)", nghị sĩ trên cho biết.

Khin Zaw Win, chuyên gia phân tích tại Yangon, cho rằng bà Suu Kyi hiện vẫn an toàn. "Các nguồn tin cho thấy hiện bà Suu Kyi không gặp nguy hiểm nào", ông Khin nói.

Tuy nhiên, ông Herve Lemahieu, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nhận định dường như quân đội Myanmar cố ý giữ kín các thông tin về bà Suu Kyi.

"Tôi nghĩ họ muốn giữ kín thông tin về bà ấy với công chúng, bà ấy bị giam lỏng ở Naypyitaw, xa các trung tâm dân cư lớn có thể xảy ra các cuộc biểu tình. Tôi nghĩ đây là một lựa chọn có tính toán", chuyên gia Lemahieu nhận định với AFP.

Theo ông Lemahieu, việc đảm bảo bà Suu Kyi an toàn sẽ có lợi hơn cho quân đội. "Các quan chức cấp cao hiểu rằng nếu bà ấy đổ bệnh trong thời gian bị giam giữ, người dân sẽ nghi ngờ hành động của quân đội và sẽ phản kháng quyết liệt", chuyên gia Lemahieu nói.

Quân đội Myanmar sáng 1/2 xác nhận đã bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi của chính quyền dân sự để "phản ứng lại gian lận bầu cử". Họ liên tục đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử quốc gia và NLD đều khẳng định cuộc bầu cử diễn ra minh bạch, công bằng, không có gian lận.

Cuộc đảo chính sáng 1/2 đánh dấu quân đội nắm quyền điều hành Myanmar trở lại sau 10 năm trao lại quyền lực cho chính quyền bán dân sự. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Các nước, trong đó có Mỹ, Anh, đã kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho các nhà chính trị và trao lại quyền điều hành đất nước cho chính quyền dân sự.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm