1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hệ lụy khó lường sau cuộc đảo chính ở Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định rằng, cuộc đảo chính vừa diễn ra ở Myanmar có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn, trong khi một số nước lớn đã bắt đầu cân nhắc các lệnh trừng phạt.

Hệ lụy khó lường sau cuộc đảo chính ở Myanmar - 1

Quân đội Myanmar tiến hành đảo chính sáng 1/2 (Ảnh: Reuters)

Rạng sáng 1/2, quân đội Myanmar đã bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, tạm nắm quyền điều hành đất nước, đánh dấu cuộc đảo chính đầu tiên sau nhiều thập niên.

Cuộc đảo chính này mang dấu ấn của tất cả các cuộc đảo chính quân sự trước kia ở Myanmar. Quân đội bắt giữ nhiều quan chức của chính quyền dân sự, ngắt đường truyền internet, viễn thông, phong tỏa nhiều tuyến đường, đóng cửa ngân hàng và giành kiểm soát cả chính quyền trung ương và địa phương.

Mặc dù quân đội đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm để tướng Min Aung Hlaing tạm lên nắm quyền điều hành đất nước, nhưng những gì đã xảy ở Myanmar cho thấy, lệnh này có thể kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí vô thời hạn. Hơn nữa, hiến pháp năm 2008 do chính quân đội Myanmar soạn ra có điều khoản cho phép họ nắm chính quyền trong những tình huống nhất định và trao cho họ những quyền lực lớn.

Vì sao quân đội Myanmar đảo chính lúc này?

Một câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Myanmar lựa chọn đảo chính vào thời điểm này. Japan Times dẫn nhận định của ông Joshua Kurlantzick, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nhận định có thể quân đội Myanmar lo ngại rằng bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) sẽ củng cố quyền lực hơn nữa sau cuộc bầu cử cuối năm ngoái khi NLD giành chiến thắng áp đảo. Chiến thắng của NLD có thể làm suy giảm tầm ảnh hưởng của quân đội và một khi tướng Hlaing về hưu (lẽ ra vào tháng 7/2021), ông có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt cũng như khó bảo vệ được tài sản của gia đình. Ngoài ra, quân đội Myanmar cũng có thể lo ngại một lúc nào đó bà Suu Kyi và NLD sẽ sửa đổi hiến pháp, thu hẹp quyền lực của quân đội.

Đó là lý do tại sao quân đội liên tục đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử nhằm đảo ngược chiến thắng của NLD. Trong thông cáo sáng 1/2, quân đội Myanmar cho biết họ bắt giữ các quan chức chính quyền dân sự để phản ứng lại cuộc bầu cử gian lận. Họ cam kết sẽ trao lại quyền lực sau khi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử công bằng, tuy nhiên họ không ấn định thời gian cho kế hoạch đó.

Những hệ lụy lớn

Hệ lụy khó lường sau cuộc đảo chính ở Myanmar - 2

Người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi biểu tình phản đối đảo chính bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở thủ đô Bangkok, Thái Lan hôm 1/2 (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia Kurlantzick cho rằng, cuộc đảo chính vừa diễn ra ở Myanmar có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn. Trước tiên, sự thay đổi chính quyền lãnh đạo có thể khiến việc ứng phó cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên phức tạp hơn khi nhiều người được cho là sẽ tìm cách rời Myanmar hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác giống như tình trạng từng xảy ra trong các cuộc đảo chính trước đây. Trong khi đó, việc đóng cửa các ngân hàng và những bất ổn chính trị sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế Myanmar vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thứ hai, đảo chính có thể dẫn đến tình trạng đổ vỡ các thỏa thuận giữa chính quyền với các nhóm nổi dậy. Điều này có thể một lần nữa đẩy Myanmar vào vòng xoáy của bạo lực. Các lực lượng nổi dậy bây giờ có thể có động cơ để chấm dứt các thỏa thuận ngừng bắn và tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Một hệ lụy có thể đã thấy rõ đó là các cuộc biểu tình của người dân. Cuộc đảo chính của quân đội Myanmar đã làm dấy lên làn sóng giận dữ không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.

"Chúng tôi muốn xuống đường biểu tình để bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đang ở trong tay Tatmadaw (quân đội) nên chúng tôi không thể làm gì khác ngoài giữ im lặng", một tài xế taxi ở Yangon cho biết. Trong khi đó, các nhân viên y tế ở ít nhất 20 bệnh viện công của Myanmar đã đình công để phản đối đảo chính.

Trên trường quốc tế, nhiều nước đã lên án cuộc đảo chính ở Myanmar và bắt đầu cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt. Trong thông cáo phát đi đầu tuần, Tổng thống Mỹ Joe Biden coi hành động của quân đội Myanmar là một sự tấn công vào nền dân chủ. Chính quyền của ông Biden hôm qua cũng chính thức xác định binh biến ở Myanmar là một cuộc đảo chính, đồng nghĩa với việc Washington có thể cắt viện trợ cho quốc gia Đông Nam Á này.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm