1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hy vọng sống của 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia tắt dần

Thành Đạt

(Dân trí) - Hy vọng giải cứu 53 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Indonesia mất tích tắt dần khi lượng ôxy được cho là đã cạn kiệt vào sáng nay 24/4.

Hy vọng sống của 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia tắt dần - 1

Một tàu hải quân Indonesia di chuyển gần nơi có vết dầu loang trong quá trình tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala-402 (Ảnh: AP).

Khi hàng trăm quân nhân vẫn đang tham gia cuộc tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích ở ngoài khơi đảo Bali, các nhà chức trách Indonesia cho biết con tàu chỉ được trang bị đủ ôxy trong 3 ngày sau khi mất điện.

Thời hạn đó đã trôi qua vào sáng sớm nay 24/4. Tuy vậy, các đội cứu hộ vẫn chưa tìm thấy tung tích tàu ngầm cùng 53 thành viên thủy thủ đoàn.

Các trực thăng tìm kiếm và nhiều tàu khác đã rời Bali và một căn cứ hải quân ở Java để hướng đến khu vực nơi tàu Nanggala 402 bị mất liên lạc. Nếu tàu vẫn còn nguyên vẹn, các quan chức cho biết nó sẽ chỉ có đủ dưỡng khí để tồn tại cho đến rạng sáng nay.

"Nếu cuộc giải cứu diễn ra lâu hơn, cơ hội sẽ ít đi. Cơ hội sống sót là rất nhỏ. Niềm hy vọng ngày càng tiêu tan", Susanetyas Nefo Handayani Kertopati, một nhà phân tích tình báo và quân sự Indonesia, cho biết.

Một phi công của lực lượng không quân Indonesia tiết lộ rằng 6 tấn thiết bị đã được đưa đến một căn cứ để giúp tìm kiếm tàu ngầm mất tích, bao gồm cả khinh khí cầu dưới nước để giúp nâng con tàu bị chìm.

"Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tàu... nhưng với các thiết bị hiện có, chúng tôi có thể xác định được vị trí", Achmad Riad, người phát ngôn của quân đội Indonesia, nói trong một cuộc họp báo.

Hải quân Indonesia cho biết tàu Nanggala được thiết kế để chịu được áp lực của độ sâu lên đến 500 mét. Khu vực ngoài khơi đảo Bali nơi tàu ngầm hoạt động có các thung lũng sâu tới 700 mét. Nếu tàu Nanggala bị mất điện và lao xuống một trong những rãnh sâu này, các chuyên gia hải quân lo ngại vỏ thép của tàu có thể bị xé toạc.

"Tôi rất lạc quan. Nhưng, nếu đó là độ sâu 700 mét, hãy quên nó đi. Không gì có thể giúp được" Connie Rahakundini Bakrie, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Indonesia, nhận định.

Hải quân Indonesia cũng nhận định tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700 mét, sâu hơn nhiều so với độ sâu hoạt động tối đa của tàu.

Người phát ngôn của Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết, tàu ngầm KRI Nanggala 402 chạy bằng điện-diesel có thể chịu được độ sâu lên tới 500 mét nhưng bất cứ độ sâu nào lớn hơn đều có thể gây tử vong. Vùng biển Bali có thể đạt độ sâu hơn 1.500 mét.

"Nếu tàu ngầm ở trong vùng biển 700 mét, nó sẽ khó sống sót vì áp lực dưới nước sẽ gây ra các vết nứt và vỡ của vỏ thép", chuyên gia quốc phòng Indonesia Connie Rahakundini Bakrie cho biết.

Chuyên gia Bakrie nói rằng mỗi thiết bị đều có "vòng đời" nhất định và dù cho được bảo trì hay sửa chữa tốt đến đâu, nó vẫn bị xuống cấp và tiềm ẩn rủi ro.

Được đóng vào năm 1977 tại Đức, tàu Nanggala được đại tu tổng thể vào năm 2012. Tính đến nay, tàu ngầm này đã 44 tuổi.

Ôxy dự trữ

Hy vọng sống của 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia tắt dần - 2

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân Indonesia (Ảnh: CNA).

Trong khi nguồn dự trữ ôxy chính trên tàu Nanggala ban đầu có thể cạn kiệt, các tàu ngầm được chế tạo với hệ thống dự phòng để có thể cung cấp không khí có thể thở được trong một khoảng thời gian nhất định. Các chuyên gia về tàu ngầm cho biết khoảng thời gian mà một hệ thống như vậy có thể hoạt động phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm việc thiết bị đã được bảo dưỡng tốt như thế nào.

Theo thông số kỹ thuật được hải quân Indonesia công bố trong cuộc diễn tập trước đó, tàu ngầm Nanggala được chế tạo để chứa 34 thành viên thủy thủ đoàn, nhưng có tới 53 người ở trên tàu vào thời điểm tàu mất tích. Việc đưa thêm người lên tàu trong các cuộc diễn tập là chuyện phổ biến, nhưng trong tình huống này, những người được bổ sung thêm càng khiến lượng ôxy dự trữ hết nhanh hơn.

Các đội cứu hộ từ Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Australia và Singapore, cùng với hải quân Indonesia, đã ráo riết đổ về vùng biển phía bắc đảo Bali, với hy vọng tìm thấy tàu ngầm và giải cứu thủy thủ đoàn.

Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore sẽ tham gia hoạt động tìm kiếm và nhiều khả năng sẽ đến Bali hôm nay, trong khi tàu MV Mega Bakti của Malaysia dự kiến đến vào chiều 25/4.

Tàu MV Swift Rescue được trang bị tàu lặn Deep Search and Rescue Six (DSAR 6), được sử dụng để sơ tán thủy thủ đoàn tàu ngầm. DSAR 6 sẽ được thả xuống từ tàu MV Swift Rescue, trước khi lặn xuống biển và kết nối với tàu ngầm gặp nạn.

Vào ngày 26/4, một tàu khác của Ấn Độ, được trang bị tàu lặn mini có thể tiến hành các cuộc giải cứu dưới nước, sẽ đến vùng biển Bali để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm. Nếu hệ thống lọc khí dự phòng của tàu ngầm hoạt động ổn định, các chuyên gia quốc phòng Indonesia cho rằng bất kỳ thủy thủ nào may mắn còn sống vẫn có thể tồn tại được đến lúc đó.

Bất chấp những hy vọng về một phép màu, vết dầu loang được tìm thấy nơi tàu ngầm chìm xuống là dấu hiệu tiếp theo cho thấy khả năng thùng nhiên liệu bị hư hại, từ đó làm dấy lên lo ngại về một thảm họa chết người. Đội cứu hộ Indonesia ngày 23/4 cũng phát hiện vật thể có "từ tính cao" trôi nổi ở độ sâu 50-100 mét phía bắc Bali, nhưng chưa xác định được đây có phải là con tàu hay không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm