1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ đe dọa tính mạng 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia trước khi cạn ôxy

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đã chỉ ra một yếu tố có thể cướp đi sinh mạng của 53 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Indonesia trước khi ôxy trên tàu cạn kiệt.

 Nguy cơ đe dọa tính mạng 53 thủy thủ tàu ngầm Indonesia trước khi cạn ôxy - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân Indonesia (Ảnh: CNA).

Khi lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua để tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402 của hải quân Indonesia mất tích, nhiều người lo lắng liệu chiến dịch giải cứu có thể thành công trước khi 53 thành viên thủy thủ đoàn bị cạn kiệt ôxy hay không.

Tuy nhiên Bryan Clark, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hudson ở Mỹ, cho rằng còn có một yếu tố nguy hiểm hơn: Khí CO2. Khí CO2 tích tụ trong cabin có thể khiến thủy thủ đoàn chết ngạt ngay cả khi chưa sử dụng hết ôxy dự trữ.

Tư lệnh hải quân Indonesia Yudo Margono ngày 22/4 cho biết tàu ngầm KRI Nanggala chỉ có đủ dưỡng khí đến 3 giờ sáng 24/4, bởi lượng ôxy dự trữ chỉ đủ dùng cho 72 giờ sau khi tàu bị mất điện.

Tàu ngầm KRI Nanggala liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào lúc 3 giờ sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển, trước khi mất liên lạc hoàn toàn. Hải quân Indonesia cho rằng sự cố về điện có thể đã xảy ra trong lúc tàu làm nhiệm vụ, khiến tàu bị mất kiểm soát và không thể thực hiện các thao tác và quy trình khẩn cấp để có thể nổi lại trên mặt nước.

Hải quân Indonesia ban đầu nhận định tàu Nanggala có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700 mét, lớn hơn nhiều so với độ sâu tối đa cho phép hoạt động của tàu.

Theo chuyên gia Clark, thời gian là yếu tố cốt lõi trong các cuộc giải cứu tàu ngầm và "vấn đề quan trọng nhất" là sự tích tụ của CO2 trong tàu.

"Cần có vật liệu hấp thụ trong tàu để hút CO2 ra khỏi cabin. Ôxy có thể được tạo ra từ "nến hóa học" trên tàu, nhưng CO2 sẽ khiến thủy thủ đoàn ngạt thở trước khi hết ôxy", ông Clark, chuyên gia về chiến dịch hải quân và từng là thủy thủ tàu ngầm, nhận định.

Ông Clark cho biết việc mất điện sẽ ảnh hưởng đến thời gian sống sót của thủy thủ đoàn, vì cần có điện để vận hành các quạt đưa không khí qua nến tạo ôxy và vật liệu hấp thụ CO2.

Ông Clark cho biết, các tàu ngầm khi lặn dưới nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng của pin. Một sự cố về pin, như hỏa hoạn hoặc ngập nước trong khoang chứa pin, đều có thể gây ra mất điện.

Ben Ho, nhà phân tích hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, cho biết một vụ nổ ngư lôi cũng có thể dẫn đến sự cố mất điện trên tàu ngầm.

"Hàng loạt yếu tố, bao gồm các lỗi về cấu trúc tàu cũng như việc tàu bị ngập nước hay nổ vũ khí, đều là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn tàu ngầm lớn. (Vào thời điểm mất tích) tàu ngầm Indonesia được cho là đang tiến hành một cuộc tập trận bắn ngư lôi và có thể một trong những vũ khí này đã phát nổ", ông Ben Ho dự đoán.

Trong quá trình tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala 402 từ trực thăng trên không, đội cứu hộ đã phát hiện một vết dầu loang trên mặt biển ở khu vực tàu ngầm mất tích. Đây được xem là tín hiệu quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm.

Tư lệnh hải quân Yudo Margono cho rằng dầu có thể đã tràn ra từ một vết nứt trong thùng nhiên liệu của tàu ngầm, hoặc thủy thủ đoàn có thể đã xả bớt nhiên liệu để giảm trọng lượng của tàu, từ đó giúp tàu có thể nổi lên.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng áp lực cần thiết để phá vỡ thùng dầu diesel trên tàu ngầm là rất lớn và việc dầu tràn ra ngoài cho thấy tàu ngầm đã bị hư hại nghiêm trọng.