1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản giải cứu tàu ngầm Indonesia trong "cuộc đua với tử thần"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tìm kiếm và giải cứu tàu ngầm bị mất tích là công việc khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của các phương tiện và kỹ thuật hiện đại.

Kịch bản giải cứu tàu ngầm Indonesia trong cuộc đua với tử thần - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích ở ngoài khơi đảo Bali (Ảnh: Reuters).

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 do Đức sản xuất mất tích vào ngày 21/4 khi đang tham gia cuộc diễn tập ở ngoài khơi đảo Bali, Indonesia. Tàu liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào lúc 3 giờ sáng để xin phép lặn xuống biển, trước khi mất liên lạc hoàn toàn.

Hải quân Indonesia nhận định tàu Nanggala có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700 mét, lớn hơn nhiều so với độ sâu tối đa cho phép hoạt động của tàu. Vào thời điểm mất tích, tàu chở 53 thành viên thủy thủ đoàn.

Indonesia đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và giải cứu tàu ngầm KRI Nanggala 402. Các nhà chức trách Indonesia cho biết tổng cộng 21 tàu, 5 máy bay và 2 tàu ngầm đã được triển khai trong chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích.

Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore sẽ tham gia hoạt động tìm kiếm và nhiều khả năng sẽ đến Bali vào ngày mai 24/4, trong khi tàu MV Mega Bakti của Malaysia dự kiến đến vào chiều 25/4.

Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Yudo Margono cho biết ngoài phát hiện các vệt dầu loang ở một số vị trí khác nhau, lực lượng tìm kiếm còn phát hiện một vật thể chưa xác định có "từ tính cao" ở độ sâu khoảng 50-100 mét. Thông tin này đã thắp lên hy vọng về cơ hội tìm thấy tàu ngầm mất tích.

Kịch bản giải cứu tàu ngầm Indonesia trong cuộc đua với tử thần - 2

Tàu cứu hộ MV Swift Rescue của hải quân Singapore rời bến tới Indonesia tìm kiếm tàu ngầm mất tích (Ảnh: Reuters).

Theo Bryan Clark, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hudson ở Mỹ, nếu tàu ngầm Indonesia vẫn còn nguyên vẹn, kích thước đủ lớn của tàu sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí "tương đối dễ dàng" bằng cách sử dụng công nghệ cảm biến.

Cảm biến từ, tương tự một hệ thống dò mìn, có thể tìm kiếm và phát hiện vỏ thép của tàu ngầm. Cảm biến âm, gồm các hệ thống định vị thủy âm, có thể phát hiện âm thanh từ tàu ngầm.

"Tuy nhiên khu vực họ cần tìm kiếm tương đối rộng và các cảm biến chỉ có thể tìm kiếm trong một khu vực nhỏ. Do vậy việc tìm kiếm có thể mất nhiều thời gian", chuyên gia Clark nhận định.

Ben Ho, nhà phân tích hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, cũng cho rằng các hệ thống định vị thủy âm khó phát hiện ra xác tàu nếu đáy biển có địa hình phức tạp. Việc tìm kiếm cũng gặp khó khăn vì về bản chất, tàu ngầm là phương tiện hoạt động "thầm lặng" và được thiết kế để khó bị phát hiện.

Lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm vùng biển cách Bali 96 km, bao gồm gần khu vực phát hiện vết dầu loang. Hải quân Indonesia cho biết vết dầu loang cho thấy thùng nhiên liệu của tàu ngầm có thể bị hư hại hoặc đây cũng có thể là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.

Hải quân Indonesia cho biết tàu ngầm có thể đã rơi xuống độ sâu từ 600-700 mét, trong khi tàu ngầm được chế tạo để chịu được áp suất ở độ sâu tối đa khoảng 250 mét. Nếu tàu ngầm thực sự bị mắc kẹt ở độ sâu 600 mét trở xuống, ông Ho cho rằng thủy thủ đoàn có "cơ hội sống sót gần như bằng không".

"Sự thật khốc liệt là một khi tàu ngầm vượt quá độ sâu cho phép, nó sẽ nổ tung do áp lực nước cực lớn tác động lên. Nếu điều này xảy ra, thiết bị cảm biến ở khu vực lân cận sẽ nắm bắt được", ông Ho nói thêm.

Quá trình giải cứu

Kịch bản giải cứu tàu ngầm Indonesia trong cuộc đua với tử thần - 3

Tàu lặn DSAR 6 được thả từ tàu MV Swift Rescue (Ảnh: CNA).

Trong trường hợp tìm thấy tàu ngầm Indonesia, tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore sẽ vào cuộc để giải cứu.

Hải quân Singapore đã hạ thủy tàu MV Swift Rescue vào năm 2008, trở thành tàu đầu tiên ở Đông Nam Á có khả năng cứu hộ tàu ngầm.

Tàu MV Swift Rescue có thể hoạt động trên biển suốt 4 tuần trước khi cần tiếp nhiên liệu. Tàu này được trang bị tàu lặn có tên Deep Search and Rescue Six (DSAR 6), được sử dụng để sơ tán thủy thủ đoàn tàu ngầm.

DSAR 6 được thả xuống từ tàu MV Swift Rescue, trước khi lặn xuống biển và kết nối với tàu ngầm gặp nạn.

"Cơ chế mở nắp hầm tàu ngầm là cơ chế phổ biến đối với hầu hết tàu ngầm của các quốc gia nhằm cho phép giải cứu tàu ngầm (trong trường hợp gặp nạn)", ông Clark cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia Clark cảnh báo "thách thức lớn nhất" đặt ra cho lực lượng cứu hộ là vị trí của tàu ngầm gặp nạn.

"Chẳng hạn, nếu tàu ngầm nằm nghiêng, DSAR 6 có thể không kết nối được với tàu ngầm", ông Clark cho biết.

Theo trang tin hải quân Naval Technology, tàu DSAR 6 dài 9,6 mét và có thể đạt độ sâu 500 mét. Tàu được vận hành bởi hai thành viên thủy đoàn và có thể chứa tối đa 17 người.

Khi DSAR 6 được MV Swift Rescue đưa trở lại mặt nước, thủy thủ đoàn từ tàu ngầm gặp nạn sẽ được chuyển đến một buồng hồi sức để điều trị. Buồng này có sức chứa lên đến 40 người.

Tàu MV Swift Rescue cũng có một khu chăm sóc y tế với 8 giường và sàn đáp trực thăng để sơ tán những người bị nạn.

Singapore và Indonesia đã ký một thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ cứu hộ tàu ngầm vào năm 2012, cho phép cả hai nước gửi nguồn lực và giúp đỡ lẫn nhau nếu tàu ngầm của họ gặp nạn.

"Cứu hộ tàu ngầm là công việc phức tạp. Những thỏa thuận như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cứu hộ khi tàu đến đó. Quá trình này thường đòi hỏi sự hợp tác về các vấn đề kỹ thuật như xây dựng quy trình vận hành tiêu chuẩn chung, cũng như chia sẻ thông tin và kiến thức chuyên môn", chuyên gia Ho cho biết.

Singapore thông báo tàu MV Swift Rescue đã khởi hành và nhiều khả năng sẽ đến Bali vào ngày 24/4. Tàu cứu hộ của Singapore đang được đặt nhiều kỳ vọng, sau khi hải quân Indonesia cho biết thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Nanggala chỉ còn đủ dưỡng khí đến 3 giờ sáng ngày 24/4.