Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên vỡ nợ
(Dân trí) - Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đêm 30/6 xác nhận Hy Lạp đã không thể hoàn trả khoản vay 1,6 tỷ euro đúng thời hạn chót 30/6, trở thành quốc gia phát triển đầu tiên không thể trả nợ quỹ này. Một thỏa thuận xin gia hạn nợ vào phút chót đang được bàn thảo.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới Ban điều hành rằng Hy Lạp giờ đang phải khất nợ và chỉ có thể nhận các khoản tài trợ của IMF một khi các khoản nợ cũ được trả hết”.
Như vậy, Hy Lạp là quốc gia phát triển đầu tiên không thể hoàn trả nợ cho IMF. Việc này rất có thể sẽ đồng nghĩa với khả năng nước này phải rời khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Tuy nhiên, Bộ trưởng các nước cho biết, họ sẽ thảo luận một đề xuất được Athens đưa ra ở phút chót, để giúp nước này có thể nhận được một chương trình cứu trợ mới.
Với việc chương trình cứu trợ của Eurozone đã hết hiệu lực, Hy Lạp hiện tại không thể tiếp cận các khoản vay hàng tỷ euro từ quỹ này.
Trước đó, Bộ trưởng tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch của nhóm Bộ trưởng khu vực Eurozone (Eurogroup), nhấn mạnh rằng sẽ thật “điên rồ” khi gia hạn thời gian cứu trợ cho Hy Lạp qua thời hạn chót là đêm 30/6, bởi Athens vẫn đang từ chối các đề xuất châu Âu đưa ra.
Phát biểu sau cuộc điện đàm với các Bộ trưởng Eurozone khác, ông Dijsselbloem cho biết thêm Hy Lạp đang đề nghị vay thêm 29,1 tỷ Euro từ chương trình cứu trợ của châu Âu, và yêu cầu này sẽ được xem xét sau.
Hiện Athens đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ, lên tới 323 tỷ euro.
Các ngân hàng Hy Lạp sẽ không mở cửa trong tuần này, sau khi các cuộc đàm phán giữa nước này và các chủ nợ đổ vỡ. Tuy nhiên, trong ngày thứ Tư, khoảng 1.000 chi nhánh các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại để chi trả tiền cho những người hưởng trợ cấp. Mỗi người sẽ được phép rút tối đa 120 euro.
Thanh Tùng
Theo BBC