1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sợ ngân hàng đóng cửa, người Hy Lạp đổ xô rút tiền

(Dân trí) - Lo sợ các ngân hàng có thể sẽ đóng cửa trong này thứ Hai tới, nếu bị châu Âu ngừng cứu trợ, hai ngày qua, người dân Hy Lạp đã đổ xô đi rút tiền gửi khỏi ngân hàng, khiến hàng trăm máy ATM hết sạch tiền.

Ngất xỉu vì ngân hàng đóng cửa

Kênh Bloomberg dẫn phát biểu của các lãnh đạo ngân hàng Hy Lạp cho biết, khoảng 500 trong tổng số hơn 7000 máy ATM tại nước này đã bị rút hết tiền trong sáng thứ Bảy. Một số ngân hàng dự kiến sẽ không thể mở cửa trong ngày thứ Hai, trừ khi được cấp thanh khoản khẩn cấp từ ngân hàng trung ương Hy Lạp.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Một quan chức của Ủy ban các thị trường vốn Hy Lạp, nhà điều hành thị trường này, cảnh báo thị trường chứng khoán Hy Lạp cũng có thể phải ngừng hoạt động trong này thứ Hai, nếu hệ thống ngân hàng ngừng “bơm” tiền.

Một người phát ngôn của ngân hàng trung ương Hy Lạp cho biết đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung tiền cho thị trường.

Một số ngân hàng Hy Lạp đã phải áp đặt hạn mức giao dịch tiền mặt hàng ngày. Yiota Kardogianni, lãnh đạo một chi nhánh của ngân hàng Piraeus Bank SA cho biết, hạn mức rút tiền mặt tại ngân hàng được quy định ở mức 3000 euro/ngày. Trong khi đó hạn mức rút tiền từ máy ATM ở mức 600 euro.

Ngân hàng Alpha Bank AE cũng đặt mức giới hạn rút tiền mặt 5000 euro/ngày tại hầu hết các chi nhánh từ tuần trước.

“Tôi đang ở đây để rút tiền lương hưu của mẹ tôi trước khi các máy rút tiền không còn tiền mặt”, Erato Spyropoulou, một người đứng xếp hàng cùng những người khác tại một máy ATM của ngân hàng quốc gia Hy Lạp cho biết.

Trong tháng 5, lượng tiền gửi của các nhân và tổ chức tại Hy Lạp ở mức 129,9 tỷ euro, thấp hơn mức 133,7 tỷ euro một tháng trước đó, ngân hàng trung ương Hy Lạp ngày 26/6 cho biết.

Một số chi nhánh của Alpha Bank tại trung tâm thủ đô Athens vốn thường mở cửa trong sáng thứ Bảy đã đóng cửa trong ngày hôm qua. Trong khi đó, trước một chi nhánh của Piraeus Bank tại trung tâm Athens, khoảng 100 người đứng chờ nhiều giờ trước giờ mở cửa của ngân hàng này. Đến khi thông báo ngân hàng này sẽ không mở cửa được đưa ra, một phụ nữ đã ngất xỉu tại chỗ.

Nguy cơ vỡ nợ khi châu Âu ngừng cứu trợ

Trong thông báo mới nhất được người phát ngôn của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra ngày 28/6, tổ chức này khẳng định vẫn sẽ duy trì chương trình cứu trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho Hy Lạp.

Hy Lạp đang chìm đắm trong núi nợ 323 tỷ euro (Ảnh: BBC)
Hy Lạp đang "chìm đắm" trong núi nợ 323 tỷ euro (Ảnh: BBC)

“Hy Lạp vẫn có thể tiếp cận ELA. Ngân hàng trung ương Hy Lạp, với tư cách thành viện hệ thống đồng euro, sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định tài chính cho người dân Hy Lạp trong tình huống khó khăn này”, thông cáo viết.

Thông tin trấn an được phát đi chỉ ít phút sau khi kênh BBC khẳng định, ECB đã quyết định sẽ ngừng các khoản cho vay khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp trong ngày 28/6, đồng nghĩa với khả năng nước này sẽ vỡ nợ và buộc phải rời Eurozone.

Thông tin được “những nguồn tin cấp cao” tiết lộ với BBC. Theo đó hội đồng điều hành của ECB dự kiến sẽ chấm dứt chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp trong ngày 28/6 theo giờ châu Âu.

Hiện các ngân hàng Hy Lạp đều đang phải lệ thuộc vào ELA. Việc ECB “rút ống thở” này nhiều khả năng sẽ “đẩy” Hy Lạp ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Tuy vậy, một số nhà phân tích thì nhận định, có thể ECB sẽ chỉ đưa ra mức trần hỗ trợ thanh khoản, thay vì chấm dứt hoàn toàn ELA.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls thì nhận định ECB “là một cơ quan độc lập nhưng…tôi không nghĩ rằng họ có thể cắt nguồn hỗ trợ. Cả đất nước Hy Lạp sẽ bị tổn thương”.

Theo nhận định của biên tập viên mảng kinh tế của BBC, rất có thể các ngân hàng Hy Lạp sẽ “đóng cửa nghỉ lễ” đột xuất trong ngày thứ Hai, trong lúc chờ “các biện pháp kiểm soát vốn được công bố”.

Chương trình cứu trợ cho Hy Lạp theo dự kiến sẽ kết thúc vào thứ Ba tới, và đến nay mọi nỗ lực đàm phán đều đã đổ vỡ.

Các ngân hàng Hy Lạp sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng trong ngày thứ Hai, nếu ECB thực sự rút lại chiếc “phao cứu sinh” ELA.

Các biện pháp kiểm soát vốn sẽ giới hạn số tiền mỗi người gửi có thể rút từ các ngân hàng. Cho đến nay, chính phủ Hy Lạp vẫn phát đi tín hiệu rằng họ không muốn sử dụng các biện pháp này.

Trong những tuần qua, người Hy Lạp đã đổ xô đi rút hàng tỷ Euro từ các ngân hàng, và trong ngày thứ Bảy, nhiều người vẫn xếp hàng dài tại các điểm rút tiền mặt, do lo ngại các ngân hàng có thể không mở cửa trong ngày thứ Hai.

Kể từ khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng đến nay, ECB hàng ngày vẫn phải cấp vốn khẩn cấp cho các ngân hàng nước này, thông qua ngân hàng trung ương Hy Lạp, để sau đó cấp vốn xuống các ngân hàng lớn.

Trong ngày thứ Bảy, Bộ trưởng tài chính các nước châu Âu đã từ chối gia hạn chương trình cứu trợ Hy Lạp. Và từ mùa Hè năm ngoái, khoản cứu trợ lần hai trị giá 7,2 tỷ Euro cho nước này đã bị ngưng lại, do các chủ nợ đặt ra nhiều điều kiện về cải cách kinh tế sâu rộng.

Nếu không được vay tiền, Hy Lạp sẽ chính thức vỡ nợ, do không thể trả khoản vay 1,6 tỷ Euro cho IMF đến hạn vào thứ Ba này.

Thanh Tùng
Theo BloombergBBC
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Hy Lạp vỡ nợ