IMF ra cảnh báo u ám về tình hình Hy Lạp

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 2/7 đã đưa ra cảnh báo nói rằng Hy Lạp đang đối mặt với một lỗ hổng tài chính khổng lồ. Cảnh báo này được đưa ra ngay trước thềm một cuộc trưng cầu dân ý để người dân Hy Lạp quyết định tương lai của đất nước.

IMF ra cảnh báo u ám về tình hình Hy Lạp

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Vài ngày sau khi Hy Lạp vỡ nợ khoản vay 1,6 tỷ Euro từ IMF, định chế với vai trò là một chủ nợ của Athens, nói Hy Lạp cần thêm 50 tỷ Euro tiền cứu trợ trong 3 năm tới, bao gồm 36 tỷ Euro từ các đối tác châu Âu. Ngoài ra, IMF cũng nói Hy Lạp cần được các chủ nợ mạnh tay xóa giảm nợ.

Đánh giá này cho thấy những thách thức lớn mà Athens phải đương đầu, cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày Chủ nhật tuần này là gì. Trong cuộc bỏ phiếu này, người dân Hy Lạp sẽ quyết định có ủng hộ hay không các yêu cầu mà bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đưa ra để Athens được giải ngân gói cứu trợ tiếp theo.

Đến nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras vẫn một mực từ chối những yêu cầu của chủ nợ về cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mà ông gọi là “thư tống tiền”. Sự khước từ của ông Tsipras khiến các chủ nợ nổi giận và hầu như không có tia hy vọng nào về việc hai bên có thể giải quyết được mâu thuẫn trước cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật này.

Tính đến ngày 2/7, các ngân hàng của Hy Lạp đã đóng cửa 4 ngày và các biện pháp kiểm soát vốn vẫn tiếp tục được duy trì. Tương lai của Chính phủ cánh tả của Hy Lạp đang chờ kết quả cuộc bỏ phiếu. Người dân Hy Lạp hiện đang trong tâm trạng giận dữ, không chỉ bất bình với các chủ nợ mà còn bất mãn với Chính phủ.

“Người dân chịu tất cả sự thua thiệt. 100% lỗi này là của các chính trị gia. Họ khiến chúng tôi rơi vào cảnh này”, ông Thanos Stamou, một người hưu trí, nói.

“Chúng tôi đề nghị họ tỉnh táo khi bỏ phiếu và suy nghĩ kỹ về hậu quả của việc bỏ phiếu chống, vì điều đó có thể khiến Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói bên lề một hội nghị ở Lyon.

Bình luận này của ông Valls cho thấy mối lo của nhiều nước trong Eurozone về việc Hy Lạp ra khỏi khối này sẽ làm thay đổi bản chất của liên minh tiền tệ 15 năm tuổi vốn được cho là không thể bị phá vỡ.

Đối với Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, nếu người dân nước này ủng hộ các điều kiện mà chủ nợ đưa ra, Chính phủ cánh tả của ông có thể sẽ đổ vỡ, dẫn tới một cuộc bầu cử mới vào tháng 9.

“Tôi muốn tin là những vấn đề này sẽ không kéo dài lâu. Các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại khi có thỏa thuận”, ông Tsipras nói ngày 2/7 trong một chương trình truyền hình. Theo ông Tsipras, các ngân hàng mở cửa trở lại trong vòng 48 tiếng kể từ cuộc trưng cầu dân ý.

Đối với người Hy Lạp, cảnh các ngân hàng đóng cửa và hàng dài người hưu trí chờ nhận lương thực sự là cú sốc lớn. Họ cũng lo sợ về việc Hy Lạp phải rời Eurozone, biểu tượng về địa vị thành viên của Hy Lạp trong châu Âu thời hiện đại.

Với tỷ lệ thất nghiệp trên 25%, trong đó hơn 50% thanh niên không có việc làm, nỗi khổ của người hưu trí Hy Lạp đang là một vấn đề lớn. Số tiền lương hưu ít ỏi của họ đang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.

Từ năm 2009 đến nay, GDP của Hy Lạp đã suy giảm 25%. Theo dự báo của tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard&Poor’s, nền kinh tế nước này sẽ suy giảm thêm 20% nữa trong 4 năm tới nếu bị buộc phải ra khỏi Eurozone.

Theo Diệp Vũ
VnEconomy

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”
Dòng sự kiện: Hy Lạp vỡ nợ