1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hungary cáo buộc Ukraine đẩy châu Âu vào thế khó

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hungary cho rằng dù Ukraine muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng Kiev lại có hành động gây khó khăn cho các thành viên của khối.

Hungary cáo buộc Ukraine đẩy châu Âu vào thế khó - 1

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã cáo buộc Ukraine làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Liên minh châu Âu bằng cách ngừng trung chuyển khí đốt của Nga.

Ông Szijjártó cho rằng giới chức EU ở Brussels "không thể phủ nhận rằng khả năng cạnh tranh của Liên minh châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây".

Ông cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là "giá khí đốt ở châu Âu đã trở nên cao hơn nhiều so với giá của các đối thủ cạnh tranh".

"Sự gia tăng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu chủ yếu là do các biện pháp làm giảm nguồn cung một cách nhân tạo, chẳng hạn như loại bỏ một số nguồn cung khí đốt thông qua các lệnh trừng phạt hoặc chính sách, cũng như việc chặn một số tuyến đường trung chuyển", ông Szijjártó giải thích.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Hungary đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp khí đốt, do đó, sự gia tăng giá năng lượng ở châu Âu sẽ không ảnh hưởng lớn đến quốc gia này.

Ông đổ lỗi cho Ukraine về việc ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Âu gần đây, dẫn đến giá tăng cao.

"Kể từ khi tuyến đường trung chuyển qua Ukraine chậm lại từ giữa tháng trước, giá khí đốt tự nhiên trên thị trường châu Âu đã tăng 20%. Mặc dù, Ukraine đang cố gắng gia nhập EU với tư cách là một ứng cử viên, nhưng họ lại một lần nữa đặt nền kinh tế châu Âu vào tình thế khó khăn với quyết định gần đây của mình. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực Trung Âu", ông viết.

Ông Szijjártó cũng cho biết đã gặp người đồng cấp Slovakia, ông Juraj Blanár, để "phân tích tình hình" sau khi tuyến trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine bị ngừng.

"Chúng tôi đã đồng ý rằng Hiệp định Liên kết EU - Ukraine phải được các bên tôn trọng, và hiệp định này cũng quy định việc duy trì các tuyến trung chuyển năng lượng", ông bổ sung.

Hợp đồng giữa Ukraine và Nga về trung chuyển khí đốt sang châu Âu đã hết hạn vào cuối năm 2024 sau khi phía Ukraine quyết định không gia hạn.

Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico, đã chỉ trích mạnh mẽ Kiev về hành động này và viết thư cho các nhà lãnh đạo EU bày tỏ sự không hài lòng với phía Ukraine. Ông Fico thậm chí cảnh báo cắt nguồn cung cấp điện cho Ukraine như một biện pháp trả đũa.

Ngày 9/1, ông Fico sẽ tới Brussels để đàm phán với Ủy ban châu Âu về tình hình liên quan đến việc ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine