Ukraine khóa van khí đốt từ Nga: Nước châu Âu nào thiệt hại nhiều nhất?
(Dân trí) - Sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, điều khiến giới quan sát lo ngại không phải là các quốc gia sẽ hết năng lượng mà là hoạt động cung cấp sẽ phức tạp và tốn kém hơn.
Các dòng chảy khí đốt của Nga đến một số nước châu Âu đã dừng lại vào ngày 1/1 sau khi Ukraine từ chối đàm phán gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Moscow.
Việc Ukraine không muốn gia hạn hợp đồng đã kéo dài 5 năm với Moscow, một mặt nhằm mục đích ngăn chặn nguồn thu ngân sách của Nga nhưng mặt khác cũng sẽ mang đến những tác động không nhỏ tới nhu cầu năng lượng ở châu Âu, nhất là trong mùa đông sắp tới.
Giá năng lượng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Ngay sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, giá khí đốt đã tăng vọt - đôi khi tăng hơn 20 lần, buộc một số nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.
Giá đã giảm dần sau đó nhưng vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng, khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là ở Đức, trở nên kém cạnh tranh hơn.
Người tiêu dùng châu Âu cũng đang phải chịu đựng mức giá năng lượng cao, khiến họ phải cắt giảm tiêu thụ, đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo Ủy ban châu Âu, các khoản chi phí bổ sung là gánh nặng đáng kể: gần 11% công dân Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật thì nhà cửa mới đủ sưởi ấm vào năm 2023.
Theo Oilprice, trang tin năng lượng và dầu khí hàng đầu thế giới, giá khí đốt qua đường ống ở châu Âu đã tăng 5%, tính theo tuần, sau khi Ukraine đóng cửa hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Slovakia. Hiện tại, tuyến đường duy nhất đang hoạt động vào EU là dòng chảy Balkan.
Ngày 3/1, giá khí đốt tương lai tại TTF, trung tâm tham chiếu tiêu chuẩn của châu Âu, đang thiết lập mức giá khoảng 50 euro cho mỗi MWh. Giá tăng 5% so với tuần trước đó và chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong 14 tháng.
Việc Ukraine ngừng gia hạn hợp đồng trung chuyển với Nga đã kích hoạt sự gia tăng này. Tuy quyết định của Kiev đã được công bố và có thể sẽ không thay đổi, nhưng mùa đông lạnh hơn tới đây và nỗi lo về sự ổn định của kho dự trữ đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tăng cao.
Mặc dù vậy, việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã được dự đoán từ lâu, giúp các nước châu Âu có thời gian chuẩn bị. Điều này có thể sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá khí đốt vì châu Âu vẫn còn các nguồn cung thay thế khác.
Kể từ khi tiến hành cuộc chiến tranh ở Ukraine, Moscow đã cắt giảm một lượng lớn nguồn cung khí đốt cho châu Âu, đẩy giá năng lượng lên cao buộc nhiều chính phủ ở châu lục này phải công bố các gói cứu trợ khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Để ứng phó với tình hình, hầu hết các quốc gia thành viên EU đã cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, song song với đó là tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Azerbaijan hay những nơi khác.
Năm 2021, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu tiêu thụ tại EU nhưng con số này đã giảm mạnh sau gần 3 năm chiến tranh ở Ukraine.
Thị phần khí đốt nhập khẩu từ Nga tại châu Âu đã giảm xuống còn dưới 15% vào năm ngoái. Tính đến 2024, đường ống qua Ukraine chỉ chiếm khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.
Tuy vậy, tác động vẫn có thể cảm nhận rõ khi nguồn cung suy giảm ở một thị trường vốn dĩ đã căng thẳng, trong khi nguồn cung thay thế lại eo hẹp.
Thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu đã rơi vào tình trạng căng thẳng trong năm nay, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng nhảy vọt ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra.
Điều khiến giới theo dõi thị trường lo ngại không phải là các quốc gia sẽ hết khí đốt, mà là hoạt động cung cấp sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu cao hơn khoảng 4 lần so với giá ở Mỹ.
Natasha Fielding, Giám đốc định giá khí đốt châu Âu tại Argus Media, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: "Tác động thực sự mà tôi nhận thấy là chi phí bỏ ra cho các nguồn cung khí đốt thay thế sẽ cao hơn ở các quốc gia như Slovakia, Áo và Cộng hòa Séc".
Những nước bị tác động mạnh mẽ nhất
Kể cả sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, 3 quốc gia thành viên Liên minh châu, Âu, gồm Áo, Hungary và Slovakia vẫn tiếp tục mua một lượng lớn khí đốt từ Nga.
Mặc dù có sự đảm bảo của EU, nhưng Hungary và Slovakia vẫn lo lắng về nguồn cung cấp khí đốt của họ cũng như mối quan hệ chặt chẽ đang diễn ra với Nga.
Chẳng hạn như, Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn đang tìm cách duy trì việc cung cấp khí đốt qua Ukraine, dù lượng nhập khẩu hiện tại của nước này phần lớn phụ thuộc vào đường ống TurkStream.
Moldova là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc đóng van đường ống này. Chính phủ Moldova đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nguồn cung cấp năng lượng.
Moldova đang cố gắng cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng của mình ít nhất 33% để ứng phó với việc ngừng cung cấp khí đốt từ Nga.
Với quốc gia này, giải pháp thay thế duy nhất là nhập khẩu từ nước láng giềng Romania và theo kế hoạch đã định, là năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại địa phương.
Slovakia thậm chí còn áp dụng cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn khi đe dọa sẽ có biện pháp đối phó với Ukraine. Thủ tướng Slovakia Robert Fico từng đề xuất dừng cung cấp điện khẩn cấp cho Ukraine sau ngày 1/1 nếu không đạt được thỏa thuận với Kiev.
"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ dừng tải điện mà Ukraine rất cần trong giai đoạn mất điện", ông Fico cho biết trong một video đăng tải trên Facebook.
Một lựa chọn khác của Slovakia là cắt giảm viện trợ cho người tị nạn Ukraine. Năm ngoái, hoạt động cung cấp điện cho Ukraine đã góp phần làm tăng giá điện ở Đông Nam Âu.
Ông Fico ước tính việc đóng van đường ống dẫn khí đốt khiến Slovakia chịu thiệt hại 500 triệu euro mỗi năm. Ông Cico cũng cảnh báo Liên minh châu Âu sẽ phải chịu thiệt hại do sức cạnh tranh suy giảm.