1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hé lộ lối đánh cận chiến đô thị của quân đội Nga ở Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Trong đô thị, quân đội Nga sử dụng chiến thuật cổ điển là dùng mìn hoặc thủ pháo phá sập các mục tiêu, thay vì lối đánh đột nhập trực tiếp của Mỹ và NATO.

Hé lộ lối đánh cận chiến đô thị của quân đội Nga ở Ukraine - 1

Lực lượng cứu hộ Ukraine nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong một tòa nhà bị đổ sập (Ảnh minh họa: Skynews).

Liên Xô biến các thành phố thành khu vực phòng thủ ra sao?

Quân đội Nga (RFAF) đang quay lại sử dụng chiến thuật cổ điển của Liên Xô - được rút ra từ chiến dịch phòng thủ thành phố Stalingrad thời Thế chiến II - trong các trận đánh đô thị ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Liên Xô cho rằng, khối NATO chắc chắn sẽ phát động Thế chiến III, khi đó Ukraine sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại đối phương.

Trong kế hoạch giả định, Cục tác chiến quân đội Liên Xô còn xây dựng kịch bản lực lượng NATO và Mỹ sẽ đổ bộ lên Biển Đen và tiến về vùng Donbass, chiếm khu công nghiệp quan trọng Kharkov.

Rõ ràng Liên Xô không chỉ coi Donbass là vùng công nghiệp và tài nguyên mà còn coi đây là Stalingrad trong chiến tranh. Do vậy, khu vực này được biến thành một nhóm pháo đài lớn và mỗi thị trấn nhỏ đều là một khu vực phòng thủ.

Vì vậy, các tòa nhà dân cư ở vùng Donbass được xây dựng theo tiêu chuẩn có thể chịu được nếu đạn pháo bắn vào và có đường hầm, tầng hầm cùng các căn phòng dễ dàng biến thành hỏa điểm, công sự chiến đấu nếu tình huống xung đột xảy ra.

Ngay cả các gara cũng được xây dựng ở các góc của tòa nhà hoặc bên cạnh các ngôi nhà. Trong các trận đánh, những gara kiên cố này, đóng vai trò là hầm trú ẩn hoặc nơi chứa vật tư hậu cần. Toàn bộ thành phố nhỏ không chỉ thuận tiện cho cuộc sống hàng ngày, mà còn thích hợp cho việc chiến đấu trên đường phố đô thị.

Những nhà máy, hầm mỏ đó là khu vực phòng thủ cốt lõi, nhiều nhà máy được nối với nhau bằng đường hầm. Ngoài ra còn có phòng chứa đồ và phòng chờ trong đường hầm cũng như nhiều lối ra vào.

Có một điều đáng chú ý ở đây, khi Liên Xô thiết kế nó, NATO đang ở phía tây nên 2 thành phố song sinh Slavyansk và Kramatorsk ở Donbass là tuyến phòng thủ đầu tiên, còn Pokrovsk là trung tâm cung cấp hậu cần.

Vì vậy, công sự ở Slavyansk và Kramatorsk rất kiên cố, trong khi Pokrovsk không có nhiều pháo đài. Hiện nay, RFAF cũng đã phát hiện ra điểm yếu này.

Binh sĩ Ukraine cố thủ trong tòa nhà bị lính Nga đặt mìn phá sập (Video: Telegram).

Chiến thuật nào thực dụng nhất khi tác chiến đô thị?

Trong quá trình chiến đấu trên đường phố đô thị, lực lượng Moscow cũng nhận thấy rằng súng tiểu liên truyền thống (súng trường tấn công AK) và lựu đạn không phù hợp.

Trong một tòa nhà, lực lượng dự bị của quân đội Ukraine (AFU) ẩn nấp dưới tầng hầm, bố trí các đài quan sát và lính bắn tỉa ở tầng trên cùng, đồng thời thiết lập các ụ hỏa lực ở các tầng giữa. Một khi lính Nga đột nhập vào tòa nhà, họ sẽ bị tấn công từ cả hai phía.

Hơn nữa, các tòa nhà dân cư do Liên Xô xây dựng, rất phù hợp cho phòng thủ, AFU có thể theo dõi động thái của các mũi đột kích Nga, thông qua các cửa sổ nhỏ ở hành lang và thiết lập các điểm phục kích bằng hỏa lực. Binh sĩ Ukraine cũng có thể sử dụng nhiều cầu thang trong tòa nhà làm đường cơ động lực lượng.

Chiến thuật cận chiến trong nhà (CQB) của Mỹ được cho là hoàn toàn vô dụng trong giao tranh trên đường phố ở Donbass.

Chiến thuật CQB có thể mô tả như sau, một nhóm lực lượng đặc biệt khéo léo tiến vào tòa nhà, che chắn bước tiến của nhau và tiêu diệt đối thủ bằng súng bộ binh và lựu đạn. Tuy nhiên chiến thuật này chỉ phù hợp để chống lại một số kẻ khủng bố và tội phạm có vũ khí.

Nhưng khi nói đến giao tranh trên đường phố đô thị ở Donbass, chiến thuật CQB chỉ có ý nghĩa "tham khảo", khi trong một tòa nhà, AFU bố trí nhiều ụ hỏa lực súng máy, đặt trên mặt đất ở tầng hầm có nhiệm vụ ngăn chặn quân Nga tiếp cận.

Trên cầu thang, quân Ukraine ném lựu đạn ngăn chặn, hành lang của tòa nhà có nhiều cửa sổ nhỏ khác nhau, tạo thành khu vực phục kích hỏa lực. Ngoài ra, họ còn bố trí nhiều bẫy mìn khác nhau. Với hỏa lực như vậy, bao nhiêu lính đặc nhiệm RFAF tiến vào đều có thể bị hạ gục.

Gần đây, ở thành phố Kurakhove, quân đội Nga đã sử dụng chiến thuật tác chiến đường phố đô thị cổ điển của họ từ thời Liên Xô. Đây là cách đánh trên đường phố thiết thực nhất, chứ không phải bất kỳ chiến thuật hoa mỹ nào.

Trong giao tranh đường phố đô thị, chiến thuật dùng hỏa lực chế áp mãnh liệt, mở đường cho lực lượng xung kích tiếp cận tòa nhà, sau đó sử dụng mìn chống tăng và thủ pháo là hiệu quả nhất. Những thủ đoạn này, không có trong chiến thuật của CQB.

Khi cận chiến trong tòa nhà, đừng bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ phát hiện ra đối phương trước và sẽ nổ súng tiêu diệt họ trước. Cho dù bạn có được huấn luyện tốt như thế nào, đối phương sẽ có lợi thế là người đi đầu trong việc che giấu khả năng phòng thủ của họ. Do vậy, khả năng cao là đối phương sẽ chủ động nổ súng trước.

Trong chiến thuật CQB của Mỹ, thường thấy cảnh quân đột kích vừa đẩy cửa liền xông vào bắn trước; nhưng thực tế ở chiến trường Ukraine, sau cửa có thể có mìn gài bẫy, thậm chí có cả khối thuốc nổ trong nhà, đang chờ quân đột kích lao vào.

Binh sĩ Nga sử dụng mìn chống tăng phá hủy cứ điểm Ukraine ở Kurakhove (Video: BQP Nga).

Cấu trúc trong tòa nhà chung cư rộng lớn kiểu Brezhnev thời Liên Xô rất phức tạp. Khi bước vào, có thể thấy có một cửa sổ nhỏ trong nhà bếp và phòng khách, đó có thể là một lỗ bắn; còn khi đi xuống cầu thang này, bạn sẽ đối mặt với một cánh cửa sắt, có thể có lỗ bắn trên đó.

Chiến thuật chiến đấu trên đường phố kiểu Liên Xô, đó là sử dụng hỏa lực bắn phá mãnh liệt vào các tòa nhà, sau khi sức kháng cự của đối phương gần như bị tê liệt, lúc này các mũi xung kích xông vào, cho nổ tung các căn phòng, cầu thang và sau đó là bộ binh chiếm giữ vị trí.

Thay vì đi cầu thang và sử dụng hành lang trong các tòa nhà, lực lượng đột kích cho nổ tung bước tường, tạo ra cái lỗ nhằm đi xuyên qua. RFAF cũng không chiếm các đường phố và ngõ hẻm mà họ sẽ cho nổ tung nhiều tòa nhà khác nhau và đi qua chúng.

Khi gặp điểm hỏa lực của đối phương, thay vì đấu súng tay đôi như các cảnh phim Mỹ, lính Nga gọi ngay xe tăng tới, sử dụng hỏa lực pháo bắn thẳng, sau đó bộ binh mới tiếp cận mục tiêu và ném thủ pháo hay lựu đạn.

Phương pháp tiếp cận các căn phòng, thay vì tận dụng hành lang để cơ động, quân Nga dùng mìn chống tăng nổ lõm, phá tung mảng tường, sau đó tung lựu đạn, thủ pháo và bộ binh tiếp cận mục tiêu để tiến về phía trước. Chiến thuật này tuy chậm, nhưng chắc và quan trọng là hạn chế thấp nhất thương vong.

Lữ đoàn 110 thuộc Quân đoàn 51 của RFAF, hiện chiến đấu tại Kurakhove, cũng triển khai các đội hỏa lực yểm trợ cho các mũi xung kích, sử dụng mìn chống tăng cỡ lớn TM-62 để làm nổ tung các tòa nhà, do AFU chốt giữ.

Quân Nga không lao vào cận chiến trong nhà, mà sử dụng hỏa lực yểm trợ và một số phân đội công binh, bố trí thuốc nổ tại các vị trí quan trọng xung quanh tòa nhà và kích nổ, sau đó mới đến công việc của bộ binh. Trên thực tế, đây mới là chiến thuật cận chiến trong đô thị hiệu quả nhất của Quân đội Nga.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine