(Dân trí) - Nếu Hải quân Mỹ nổi tiếng nhất với dàn tàu sân bay uy lực, Nga cũng có hạm đội tàu ngầm đình đám thế giới và sở hữu năng lực đáng gờm như những "sát thủ" dưới đại dương.
HẠM ĐỘI TÀU NGẦM SÁT THỦ CỦA NGA: "VUỐT SẮC" UY LỰC DƯỚI LÒNG ĐẠI DƯƠNG
Nếu Hải quân Mỹ nổi tiếng nhất với dàn tàu sân bay uy lực, Nga cũng có hạm đội tàu ngầm đình đám thế giới và sở hữu năng lực đáng gờm như những "sát thủ" dưới đại dương.
Theo Global Firepower, tính đến năm 2021, Nga đứng thứ 3 trong danh sách nước có hạm đội tàu ngầm quy mô lớn nhất thế giới với 64 chiếc, sau Mỹ (68) và Trung Quốc (79).
Tuy nhiên, cơ cấu của đội tàu ngầm Trung Quốc phần lớn là các tàu chạy bằng diesel-điện. Dòng tàu này di chuyển khá ồn và phải nổi lên thường xuyên hơn để tiếp liệu so với các tàu năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hiện vẫn được xem là khá non trẻ và còn nhiều thiếu sót về thiết kế, cũng như khí tài trang bị kèm theo nếu so với 2 quốc gia còn lại.
Vì vậy, theo Popular Mechanics, Mỹ và Nga hiện là 2 thế lực hàng đầu về tàu ngầm trên thế giới. Cuộc cạnh tranh của 2 nền quân sự này đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Một cuộc chạy đua vũ trang dưới lòng đại dương đã diễn ra giữa Liên Xô và Mỹ, khi cả 2 bên đều nỗ lực áp dụng công nghệ năng lượng hạt nhân, ngư lôi dẫn đường, tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, dù ngân sách quân sự của Nga đã giảm nhiều, nhưng tàu ngầm là lĩnh vực mà họ có thể được xem là đầu tư rất mạnh mẽ và có thể nói là "ngang sức, ngang tài" với Mỹ.
ĐỘI TÀU NGẦM SÁT THỦ
Về cơ bản, theo Defense News, đội tàu của Nga chia ra làm 3 nhóm chính.
Thứ nhất là các tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN). Đây là một phần trong bộ 3 hạt nhân chiến lược của Nga. Trọng tâm của lực lượng SSBN là trước đây là các tàu ngầm lớp Akula Typhoon thuộc Đề án 941, nhưng các tàu ngầm này hiện đã được cho nghỉ hưu. Hiện tại, hạm đội SSBN Nga có khoảng gần 12 chiếc tàu ngầm: 1 chiếc Delta III, 5 chiếc Delta IV, 1 chiếc lớp Typhoon, và 5 chiếc tàu ngầm lớp Borei mới.
K-535 Yuriy Dolgorukiy là tàu dẫn đầu của tàu ngầm lớp Borei. Nó bắt đầu được đóng vào tháng 11/1996, nhưng do các vấn đề về ngân sách và kỹ thuật, phải đến tháng 2/2008, con tàu mới được hạ thủy và vào tháng 1/2013, con tàu gia nhập Hạm đội Phương Bắc của Nga. Sau đó, hải quân Nga đã đưa vào hoạt động các tàu Alesander Nevsky và Vladimir Monomakh trong Hạm đội Thái Bình Dương. Con tàu thứ 4, Knyaz Vladimir, đi vào hoạt động vào tháng 6/2020 như một phần của Hạm đội Phương Bắc.
Theo kế hoạch, hải quân Nga sẽ sở hữu một hạm đội bao gồm ít nhất 12 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borei trong những năm tới.
Tàu ngầm lớp Borei nhỏ hơn so với các tàu tiền nhiệm về kích thước và thủy thủ đoàn, nhưng có thể mang theo số lượng tên lửa tương tự. Tàu có chiều dài 170m, đường kính thân 13m, thủy thủ đoàn 107 người, trong đó có 55 sĩ quan và chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với khả năng lặn sâu tối đa 450m và tốc độ lặn tối đa 29 hải lý/giờ, tàu mang theo 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava-M SS-NX-30.
Bulava là loại tên lửa liên lục địa hoạt động bằng nhiên liệu rắn, có tầm bắn khoảng 8.000-11.000 km, theo RT. Hiện tại, Bulava là "xương sống" cho lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, là một trong những tên lửa có sức công phá mạnh mẽ nhất thế giới. Nó có thể mang tối đa 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có sức công phá 150 kiloton (150.000 tấn thuốc nổ TNT).
Nhờ đó, tàu có thể hoạt động cách bờ hàng nghìn km trong mọi điều kiện thời tiết và trở thành mối đe dọa với đối thủ của Nga vì số lượng hỏa lực "khủng" mà con tàu có thể mang.
Nhóm thứ hai trong hạm đội tàu ngầm Nga là: Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN).
Tàu SSN còn có thể được trang bị trang bị tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài nhiệm vụ phát hiện, nhận dạng, tiêu diệt tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương, SSN còn có khả năng tấn công chiến lược vào các mục tiêu trên bộ, bí mật theo dõi khu vực duyên hải, vận chuyển và thu hồi các nhóm đặc nhiệm.
Đội tàu SSN Nga hiện có khoảng 2 chiếc lớp Sierra II, 2 chiếc lớp Victor III , 11 chiếc lớp Akula và một số chiếc lớp Yasen đã được biên chế hoặc đang phát triển nên chưa thể thống kê chính xác. Akula hiện được xem là tàu ngầm tàng hình tốt nhất, nhanh nhất, yên tĩnh nhất và hiện đại nhất phục vụ trong hải quân Nga. Thậm chí, nhiều chuyên gia đánh giá, Akula còn có năng lực tấn công nhỉnh hơn hầu hết các tàu ngầm SSN hiện đại của Mỹ.
Tàu Dmitry Donskoy thuộc lớp Akula là tàu ngầm lớn nhất không chỉ của Hải quân Nga mà còn trên toàn thế giới. Nó là di sản từ thời Chiến tranh Lạnh, có kích thước tương đương một tòa nhà 9 tầng với chiều dài 175m, rộng 23m, độ giãn nước 50.000 tấn. Nó cũng có thể mang tên lửa Bulava hay vũ khí hạt nhân như các tàu lớp Borei.
Dù tàu ngầm lớp Akula vẫn rất uy lực, nhưng Nga đã bắt đầu thực hiện "thay máu" đội SSN bằng các tàu ngầm lớp Yasen thuộc dự án 885. Đây được xem là tương lai của lực lượng tấn công dưới mặt nước của Nga.
"Sát thủ" đại dương Yasen sở hữu khả năng chống ngầm và chống tàu mặt nước rất mạnh. Nó có 10 ống phóng ngư lôi, 8 ống phóng tên lửa thẳng đứng, có thể phóng ra 32 tên lửa hành Kalibr hoặc 24 quả tên lửa chống hạm P-800 Oniks.
Kho vũ khí của Yasen-M cũng sẽ được trang bị tên lửa hành trình diệt hạm siêu vượt âm Zircon 3M22, với tốc độ lên tới Mach 9 (gấp 9 lần tốc độ âm thanh). Các chuyên gia quốc phòng Nga tin rằng Zircon có thể khiến các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ phải e ngại vì quỹ đạo rất khó lường, tốc độ nhanh thách thức nhiều lá chắn phòng không.
Một điểm nổi bật của Yasen là lớp tàu này đã chứng minh khả năng "tàng hình" trước các hệ thống dò tìm của NATO. Dự kiến, tới năm 2030, hải quân Nga sẽ có ít nhất 9 chiếc Yasen.
Loại tàu ngầm thứ ba trong kho vũ khí Nga là: Tàu ngầm Diesel-điện (SSK). Đội SSK của Nga có trên 20 chiếc, hầu hết là thuộc lớp Kilo và lớp Kilo cải tiến và một chiếc một lớp Lada.
Các tàu lớp Kilo cải tiến khá hiện đại và nổi tiếng với khả năng di chuyển ít phát ra tiếng ồn cũng như khả năng tấn công hiệu quả.
Các tàu ngầm diesel - điện của Hải quân Nga cũng được trang bị ngư lôi và tên lửa hành trình. Nổi tiếng nhất là ngư lôi VA-111 Shkval Supercavitating, một loại ngư lôi có khả năng di chuyển tới mục tiêu đối phương với tốc độ rất cao (trên 200 hải lý/giờ) - giống một viên đạn dưới nước. Dòng ngư lôi này cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Về tên lửa hành trình, các tàu SSK có thể phóng tên lửa Kalibr. Phiên bản 3M54E1 của tên lửa này có thiết kế 3 giai đoạn, tốc độ hành trình khoảng 850 km/h và được tăng tốc lên Mach 2 (gấp 2 tốc độ âm thanh) trong giai đoạn tấn công cuối.
TÀU NGẦM ĐÌNH ĐÁM
Ngoài các tàu thuộc 3 nhóm nói trên, Nga cũng sở hữu một số tàu ngầm khác cho mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có một tàu ngầm đã khiến nhiều chuyên gia quân sự đặt ra giả thiết về mục đích của Nga khi đóng nó.
Đó là Belgorod, con tàu mà Nga mới đưa vào biên chế thời gian gần đây. Đây chính là tàu ngầm dài nhất thế giới hiện nay.
Belgorod là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Oscar II, thuộc về nhóm SSN. Khi đưa nó vào biên chế, hải quân Nga gọi đây là tàu "phục vụ mục đích nghiên cứu".
Tuy nhiên, Belgorod sở hữu những tính năng khiến giới chuyên gia phương Tây dự đoán rằng nó có nhiệm vụ chính là trinh thám và răn đe hạt nhân, hoặc thậm chí đóng vai trò là "tàu sân bay dưới lòng đại dương" - một học thuyết được xem là khá mới của hải quân Nga cũng như thế giới.
Belgorod là tàu ngầm lớn nhất Nga đóng trong 30 năm qua. Nó dài 184m, rộng 15m và chạy bằng 2 lò phản ứng hạt nhân. Tàu này có lượng giãn nước 24.000 tấn.
Một tính năng mà giới chuyên gia cảnh báo có thể khiến các đối thủ của Nga lo lắng là Belgorod có thể trở thành một "tàu mẹ" lặn dưới đáy biển để triển khai các tàu ngầm do thám cỡ nhỏ, chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như các phương tiện tự hành và không người lái dưới nước khác.
Các tàu ngầm cỡ nhỏ có thể lặn rất sâu, cho phép nó tiến hành các nhiệm vụ dưới đáy biển, đặc biệt trong những cuộc chiến dưới đáy biển sâu, cũng như thu thập thông tin tình báo.
Mặt khác, một đặc điểm khiến Belgorod nhận được rất nhiều sự chú ý chính là nó dự kiến sẽ được trang bị ngư lôi có thể mang đầu đạn hạt nhân Poseidon. Tư lệnh lực lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ John Aquilino hồi tháng 5 đã cảnh báo về khả năng này.
Poseidon được gọi là ngư lôi nhưng bản chất của vũ khí này là một thiết bị không người lái chiến đấu dưới nước với tầm tấn công không hạn chế. Một chiếc Belgorod có thể mang 6 quả Poseidon.
Ngoài "thần biển", truyền thông Nga cũng gọi Poseidon là ngư lôi "ngày tận thế" vì nó có khả năng san phẳng một thành phố với "một cơn sóng thần hạt nhân" khi được phóng ra. Đầu đạn của nó có khả năng tạo ra một vụ nổ có sức công phá 2 megaton, tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Poseidon có thể di chuyển với tốc độ cao dưới nước nhờ hệ thống lò phản ứng hạt nhân. Con số này ước tính vào khoảng gần 130km/h, nhanh gấp đôi tốc độ của hầu hết các tàu mặt nước. Lò phản ứng trên Poseidon được thu nhỏ nhờ sử dụng công nghệ tương tự như với công nghệ trên tên lửa hành trình liên lục địa Burevestnik, cho phép nó di chuyển không giới hạn khoảng cách. Theo RT, khi triển khai, Poseidon đủ khả năng để tiêu diệt căn cứ hải quân hay nhóm tác chiến tàu sân bay của đối thủ bằng một đòn đánh duy nhất.
Mỹ cũng từng đánh giá rằng, khi Nga chính thức biên chế Poseidon, ngư lôi này sẽ là "mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng" tới cảng biển, căn cứ quân sự ở duyên hải và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Belgorod lúc này sẽ trở thành vũ khí Nga dùng để răn đe hạt nhân với đối thủ.
Chuyên gia quân sự Mỹ H. I. Sutton nhận định rằng: "Poseidon hiện là vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới. Nó sẽ định hình lại cục diện cạnh tranh giữa nền hải quân Nga và phương Tây, dẫn tới các khả năng các vũ khí mới sẽ ra đời để đối phó".
"Cặp song sát" Poseidon và Belgorod được so sánh với cặp Bulava và Borei - đều là cặp tàu ngầm "khủng" đi kèm với những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tung đòn quyết định vào mục tiêu đối thủ và có đủ sức răn đe những nền quân sự đình đám hàng đầu thế giới.
"CHIẾN TRANH LẠNH" MỚI DƯỚI LÒNG ĐẠI DƯƠNG?
Nga đã bắt đầu các thử nghiệm với Poseidon và nó dự kiến sẽ chính thức vào biên chế quân đội Moscow vào nửa sau của thập niên này.
Giới chuyên gia quân sự cảnh báo rằng, sự xuất hiện của Poseidon trên tàu Belgorod sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn của hạm đội tàu ngầm Nga, khiến chúng trở nên uy lực hơn rất nhiều lần.
Thậm chí CNN đã dự đoán, ngư lôi Poseidon có thể kích hoạt trở lại viễn cảnh "Chiến tranh Lạnh" dưới lòng đại dương khi Nga và Mỹ chạy đua vũ trang dưới lòng biển, cũng như tăng cường các hoạt động theo dõi và săn đuổi nhau. Điều này là dễ hiểu khi, nếu có Belgorod, đội tàu ngầm Nga sẽ có thể sở hữu khả năng thách thức Mỹ hơn nữa và đe dọa trực tiếp tới các nhóm tác chiến tàu sân bay của Washington.
Từ trước tới nay, tàu ngầm đã luôn được xem là "khắc tinh" của các tàu mặt nước. Với một ngư lôi mang đầu đạn có sức công phá dữ dội, tầm di chuyển không giới hạn và khả năng đánh lừa các hệ thống phòng thủ, Belgorod hoàn toàn có khả năng xuyên qua các tàu bảo vệ trong nhóm tác chiến tàu sân bay để nhằm thẳng vào hàng không mẫu hạm Mỹ. Đây sẽ là rủi ro rất lớn mà Mỹ sẽ phải để tâm.
Một báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi tháng 4 cho biết, Belgorod có thể chỉ là chiếc đầu tiên trong hạm đội 4 tàu ngầm mới Nga dự định đóng có thể mang Poseidon.
Chuyên gia Sutton từng cảnh báo, 3 chiếc tàu kế tiếp có thể sẽ là "tàu ngầm định nghĩa thập niên 2020 vì chúng đại diện cho một đối thủ mới và khó đối phó".
"Các lực lượng hải quân khác có thể sẽ chưa có khả năng mô phỏng lại các tàu này, nhưng họ sẽ muốn chống lại nó. Kịch bản là trò chơi mèo vờn chuột dưới đại dương sẽ xảy ra. Đại dương sẽ nơi các tàu ngầm sát thủ của Hải quân Mỹ và Hải quân Anh sẽ theo sát mọi động thái của Nga. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương có thể sắp xảy ra", ông nhận định.
Trong bối cảnh Nga có động thái liên quan tới cặp "song sát" Belgorod và Poseidon, Mỹ hồi tháng 6 đã tuyên bố khởi đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo SSBN USS District of Columbia. Mỹ cho hay, tàu lớp Columbia này sẽ là tàu ngầm lớn nhất, mạnh nhất và tân tiến nhất do Washington đóng.
Mỹ dự kiến sẽ đóng 12 chiếc thuộc lớp Columbia để thay thế cho các SSBN Ohio trở thành lực lượng răn đe chiến lược các đối thủ. Mỹ thông báo, các tàu lớp Columbia sẽ mang "70% kho vũ khí hạt nhân được triển khai của Mỹ" - biến chúng trở thành những thế lực dưới lòng biển.
Đức Hoàng
Theo Popular Mechanics, Defense News, National Interest, 19fortyfive