1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gruzia nói một số nước kêu gọi Tbilisi gửi quân tới Ukraine chống Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Gruzia cho hay nhiều quốc gia đã kêu gọi Tbilisi đưa quân tới Ukraine để đối đầu với Nga.

Gruzia nói một số nước kêu gọi Tbilisi gửi quân tới Ukraine chống Nga - 1

Chủ tịch Quốc hội Gruzia Shalva Papuashvili (Ảnh: Wiki).

Chủ tịch Quốc hội Gruzia Shalva Papuashvili cho biết một số quốc gia đã nhiều lần kêu gọi Tbilisi tham gia vào cuộc xung đột với Nga. Ngoài thúc giục thúc giục Gruzia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các quốc gia này thậm chí kêu gọi Tbilisi đưa quân tới Ukraine.

Phát biểu với báo chí hôm 27/5, ông Papuashvili cho biết: "Nhiều bên đã thúc giục chúng tôi làm việc này, đồng nghĩa với việc tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga".

Mặc dù ông Papuashvili không đề cập cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào nhưng ông có ý chỉ rằng các thành viên của khối NATO cũng nằm trong số đó.

Theo ông, chưa có quốc gia NATO nào chính thức gửi quân đội tới Ukraine, vì vậy ông không rõ tại sao Gruzia lại được yêu cầu làm điều này.

Ngoài ra, ông cho hay Gruzia từ lâu đã phải đối mặt với áp lực phải tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow.

Mặt khác, ông Papuashvili nói rằng, các nhóm phi chính phủ cũng gây áp lực để Gruzia đối đầu với Nga.

"Các tổ chức phi chính phủ (NGO) từng tổ chức biểu tình ở Tbilisi từng có những đề nghị tương tự rằng chúng tôi nên điều quân tới Ukraine", ông nói.

Tại Gruzia, phong trào biểu tình đã kéo dài nhiều tuần ở thủ đô Tbilisi nhằm phản đối dự luật gây tranh cãi mang tên "Minh bạch về tầm ảnh hưởng của nước ngoài". Dự luật này yêu cầu các cá nhân và tổ chức, trong đó có các hãng truyền thông, nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức chịu ảnh hưởng từ nước ngoài".

Những người chỉ trích cáo buộc rằng nó có thể được sử dụng để trấn áp phe đối lập.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Gruzia Iralki Kobakhidze từng cáo buộc Ukraine muốn lan rộng cuộc chiến sang đất nước của ông, nhằm mở một mặt trận thứ 2 chống Nga.

Thủ tướng Kobakhidze khẳng định Gruzia quyết tâm sẽ thông qua dự luật, bất chấp áp lực từ phương Tây. Ông cảnh báo nếu Gruzia không có luật trên, có nguy cơ đất nước này có thể trở thành Ukraine thứ 2.

"Một số người muốn lập mặt trận chống Nga thứ 2 ở Gruzia, chúng tôi không mong muốn điều đó", ông nhấn mạnh.

Sau nhiều năm căng thẳng với Nga vì cuộc xung đột năm 2008, Gruzia tới nay đang theo đuổi cách tiếp cận trung lập với cuộc chiến giữa Moscow và Kiev. 

Vào năm 2022, khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Gruzia cho biết họ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với lý do lợi ích quốc gia. Điều này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Tbilisi và Kiev.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine