1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giữa bộn bề mâu thuẫn, Mỹ - Trung khó "hóa giải" chiến tranh thương mại

Thanh Thành

(Dân trí) - Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 16/11 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước trong tương lai.

Giữa bộn bề mâu thuẫn, Mỹ - Trung khó hóa giải chiến tranh thương mại - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/11 (Ảnh: Reuters).

SCMP dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng, khó có kỳ vọng cho việc Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra điểm chung cho các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai.

Trong khi cả Bắc Kinh và Washington dường như gác lại những chỉ trích gay gắt nhằm vào nhau trong các vấn đề kinh tế song phương, giới phân tích Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi đằng sau "sự cạnh tranh chiến lược" và các cuộc đàm phán thương mại sẽ có kết quả như thế nào.

Điều này đặc biệt được chú trọng, nhất là giữa lúc các nghị sĩ Mỹ liên tục chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề thương mại và cáo buộc Trung Quốc là một "nền kinh tế phi thị trường".

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung hôm 16/11 cho thấy hai nước đều nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, nhưng vẫn còn khoảng cách quá lớn trong các vấn đề kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị, công nghệ...

Chen Fengying, một thành viên cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), cho biết thương mại hàng hóa Trung Quốc được thực hiện theo thỏa thuận giai đoạn 1, cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng, có thể là chủ đề thảo luận chính trong tương lai, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực giảm lạm phát ở trong nước.

Nếu các vấn đề này được giải quyết, Mỹ có thể hủy bỏ mức thuế 7,5% áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD và giảm 25% mức thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD, bà Chen nói. Theo bà, thỏa thuận giai đoạn 1, được ký kết hồi tháng 1/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới được đánh giá là khá hiệu quả dù vẫn còn một số tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ và việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ.

"Cả hai không cần phải thương lượng lại thỏa thuận nhưng cần bổ sung một số điều mới", bà nói thêm.

Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ năm 2020-2021, so với mức của năm 2017, nhưng đang không đạt được mục tiêu đề ra.

"Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Bắc Kinh thực hiện các cam kết giai đoạn 1 và mong muốn chứng kiến sự tiến triển thực sự trong các cuộc đàm phán giữa Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc", theo thông cáo báo chí Mỹ đưa ra sau hội nghị hôm 16/11.

Trong khi quyền sở hữu trí tuệ và các giao dịch mua bán vẫn sẽ "ngáng đường" các cuộc đàm phán trong tương lai, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, một nhóm vận động đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp Mỹ, đặt nhiều kỳ vọng cho các vấn đề khác nhưng việc tiếp cận thị trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, nới lỏng các hạn chế đi lại, giải quyết trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và nghĩa vụ của Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có các cuộc họp riêng biệt để thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với Trung Quốc", Chủ tịch hội đồng, Craig Allen, cho biết. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng, các vấn đề kinh tế phức tạp sẽ vẫn là ưu tiên số 1 trên bàn đàm phán trong tương lai, khiến khả năng đạt được một thỏa thuận như kỳ vọng là không nhiều.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm