1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giáo sư Carlyle Thayer: Biển Đông sẽ "nóng" hơn trong năm 2016

(Dân trí) - Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, tình hình Biển Đông trong năm 2016 sẽ phức tạp hơn khi Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở khu vực này. Điều này cũng có thể dẫn tới những rủi ro trong quan hệ Mỹ-Trung trong năm nay.

Vị giáo sư thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra nhận định trên tại cuộc Hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Mỹ- Trung” diễn ra sáng nay (10/3) tại Hà Nội.

Theo ông Thayer, Mỹ ngày càng thấy bất ổn trong mối quan hệ với Trung Quốc và các quốc gia khác cũng thấy bất ổn với quan hệ các nước lớn và vấn đề quan trọng nhất gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ -Trung hiện nay chính là quân sự hoá Biển Đông. Điều này sẽ khiến quan hệ Trung- Mỹ đứng trước những căng thẳng lớn.

Giáo sư Thayer tại cuộc Hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Mỹ- Trung” diễn ra sáng nay (10/3) tại Hà Nội
Giáo sư Thayer tại cuộc Hội thảo quốc tế “ASEAN và quan hệ Mỹ- Trung” diễn ra sáng nay (10/3) tại Hà Nội

Trung Quốc đang muốn loại bỏ sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng đây là vấn đề của người châu Á và họ sẽ tự giải quyết. Bản thân ASEAN và Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề của họ. Đến nay, ASEAN chưa tỏ rõ đồng ý hay phản đối trước quan điểm này của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm gần đây là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ ráo riết hơn nữa ở Biển Đông trong năm 2016 và thời gian tới.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, sự gia tăng gây hấn của Trung Quốc trong năm nay cũng dựa trên một số yếu tố như việc tòa trọng tài quốc tế PCA sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines; cuộc bầu cử của Philippines vào tháng 5; động thái can thiệp cứng rắn hơn của Mỹ vào khu vực cũng như cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ.

"Thực tế, Trung Quốc đang từng bước thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và thực tế, nó đã xuất hiện rồi, nhưng Bắc Kinh sẽ riết hơn để kiểm soát các chyến bay đi lại trên Biển Đông trong thời gian tới", ông nói.

Kể cả COC được ký, cũng cần cảnh giác với Trung Quốc

Trước tình hình Biển Đông ngày càng trở lên phức tạp, Giáo sư Thayer cho rằng, ASEAN phải cùng nhau làm rõ nội hàm của thuật ngữ “quân sự hoá”để xác định xem những lời biện minh mà Bắc Kinh đưa ra cho hành động của họ có hợp lý hay không? Hiện nay, cả ASEAN và Mỹ đều chưa có khái niệm về thuật ngữ này.

Với việc thực hiện quân sự hóa, Trung Quốc đang từng bước thay đổi cán quân quyền lực ở khu vực Biển Đông. Xây dựng đường băng sẽ giúp nước này có khả năng kiểm soát Biển Đông tốt hơn từ nay đến năm 2030, ông Thayer cảnh báo.

Điều quan trọng nhất với các nước ASEAN hiện nay là thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới sớm ký kết COC và sử dụng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việt Nam và ASEAN cũng cần sử dụng sáng kiến minh bạch hàng hải để nêu vấn đề của mình trong tranh chấp Biển Đông, ông Thayer nói.

Vị giáo sư cho hay, "COC có thể sẽ được ký vào năm 2016 nhưng kể cả khi COC được ký kết, ASEAN vẫn phải chú ý tới các động thái của Trung Quốc, xem hành động và lời nói của họ có thống nhất với nhau không?".

Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh mong muốn hướng tới tự do an toàn, hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng thực tế thì Trung Quốc lại hoàn toàn làm ngược lại, Giáo sư nhấn mạnh.

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm