Giáo sư Thayer cảnh báo Trung Quốc có thể đưa tên lửa tới Trường Sa
(Dân trí) - Trao đổi với báo chí xung quanh việc Trung Quốc đưa tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc, cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể triển khai các hệ thống tương tự tới quần đảo Trường Sa với cái cớ chống lại mối đe dọa từ Mỹ.
Giáo sư Thayer cho biết, cho tới nay những lo ngại của Mỹ và các nước về sự quân sự hóa Biển Đông tập trung vào các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa. Nhưng báo chí Mỹ mới đây đưa tin, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không tới một quần đảo khác ở Biển Đông - quần đảo Hoàng Sa.
Theo Fox News, Bắc Kinh gần đây đã đưa 2 khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo ông Thayer trên thực tế, đảo Phú Lâm đã bị quân sự hóa từ trước đó và Trung Quốc gần đây đã mở
Giáo sư Carl Thayer (Ảnh: Học viện quốc phòng Úc)
rộng đường băng phi pháp tại đây lên 3.048 m. Phú Lâm có các nhà chứa máy bay và các máy bay quân sự. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu J-11 tới Phú Lâm và xây dựng một căn cứ tình báo tín hiệu lớn tại đây. Các bức ảnh khác được chụp gần đây cũng cho thấy Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng trên 2 đảo khác - đảo Cây và đảo Bắc - thuộc Hoàng Sa.
Ông Thayer nhận định việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ rất tinh vi tới Hoàng Sa chắc chắn là nhằm đáp trả các hành động trên không và cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ gần đảo Tri Tôn hồi tháng trước.
Việc triển khai hệ thống HQ-9 cho thấy trong thời tương lai gần Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tương tự tới Trường Sa với cái cớ chống lại mối đe dọa từ Mỹ, Giáo sư Thayer nói.
Chuyên gia Úc nhận định, các hành động của Trung Quốc làm gia tăng mối nguy hiểm và các nguy cơ đối với các cuộc tuần tra hàng hải của Mỹ tại các vùng biển quanh Hoàng Sa. Hệ thống HQ-9 cũng có thể đe dọa các máy bay đóng trên tàu sân bay được điều đến trợ giúp tàu chiến Hải quân Mỹ nếu bị Trung Quốc đe dọa trong các cuộc tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa trong tương lai.
Trung Quốc quân sự hóa Hoàng Sa trái phép như thế nào?
Giáo sư Thayer cho hay, vào năm 1990, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 400 m trên đảo Phú Lâm và mở rộng nó 2 lần, không kể lần năm ngoái. Đường băng này có thể phục vụ các máy bay chiến đấu như Su-27 và Su-30, máy bay ném bom H-6 và các máy bay vận tải loại lớn.
Các cơ sở gần đường gần băng bao gồm 4 nhà chứa máy bay. Giao thông hàng không do radar loại Type 791 kiểm soát. Các cơ sở hạ tầng quân sự khác trên Phú Lâm bao gồm các bến tàu có khả năng đón các tàu khu trục và một cơ sở tiếp liệu. Quân đội Trung Quốc đã đưa các binh sĩ tới Phú Lâm để bảo vệ đường băng và các cơ sở quân sự khác.
Trung Quốc cũng xây dựng trái phép các cơ sở liên quan tới quân sự tại các nơi khác ở Hoàng Sa. Một trạm thời tiết đã được xây dựng trên đảo đảo Hoàng Sa, trong khi đảo Cam Tuyền có một đèn hiệu radio. Các bến tàu tại đảo Quang Hòa đang được mở rộng. Một trạm tình báo tín hiệu đang hoạt động trên đảo Đá kể từ năm 1995. Trạm này có thể cung cấp cảnh báo trên biển hoặc trên không và hỗ trợ các sứ mệnh trên không hoặc theo dõi tàu. Các nguồn tin công khai cho hay Trung Quốc có khả năng đã đưa tên lửa hành trình chống hạm HY-2 tới đảo Phú Lâm.
An Bình