Giải pháp cấp bách của Nga nhằm tăng cường năng lực tác chiến ở Biển Đen
(Dân trí) - Hải quân Nga đang khẩn trương tiến hành thử nghiệm và đưa vào biên chế các tàu tên lửa cỡ nhỏ nhằm tăng cường năng lực tác chiến cho Hạm đội Biển Đen.
Trang Defense Express đưa tin Hải quân Nga đang tiến hành những công đoạn thử nghiệm cuối cùng để đưa các tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc Đề án 22800 Karakurt vào chiến đấu trong biên chế của Hạm đội Biển Đen.
Theo nguồn tin của Defense Express, ít nhất một tàu chiến thuộc lớp này đã vượt qua các bài kiểm tra trên biển và sẽ sớm được đưa vào trực chiến. Đặc biệt, giới quan sát cho rằng các thiết bị phòng không thuộc tổ hợp Pantsir-M nhiều khả năng sẽ được gắn lên các tàu chiến này nhằm tăng cường năng lực đối phó với các cuộc tập kích đường không của tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine.
Đây không phải là lần đầu tiên Hải quân Nga trang bị các thiết bị phòng không đất đối không cho tàu chiến mặt nước của Hạm đội Biển Đen. Trước đó, các kỹ sư của Hải quân Nga đã thử nghiệm việc lắp các bệ phóng tên lửa Tor lên 3 tàu hộ tống mang tên Dmitry Rogachev, Pavel Derzhavin và Sergai Kotov thuộc Đề án 22160.
Các tàu tên lửa thuộc Đề án 22800 là mẫu tàu tên lửa hiện đại của Hải quân Nga. Được bắt đầu chế tạo từ năm 2015 và đưa vào trực chiến từ năm 2018, quân đội Nga hiện đang sở hữu 3 chiếc tàu loại này trong biên chế.
Với trọng lượng 800 tấn và chiều dài 67m, tàu được trang bị 3 động cơ mạnh mẽ cho phép nó chạy với tốc độ lên tới 56km/h với tầm hoạt động tối đa là 4.600km. Các tàu thuộc lớp này có thể mang theo một lượng vũ khí khổng lồ, bao gồm ít nhất 8 tên lửa hành trình Kalibr hoặc Oniks, 1 pháo AK-176MA hoặc A-190 và 2 súng máy Kord. Tàu cũng được trang bị thêm bệ phóng cho phép nó phóng và thu hồi các máy bay không người lái Orlan-10.
Trong thời gian gần đây, mối đe dọa từ các tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon và các UAV cảm tử hiện đại mà phương Tây đã viện trợ cho Ukraine được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc Hải quân Nga mất dần ưu thế áp đảo tại Biển Đen. Các vũ khí này càng trở nên đặc biệt nguy hiểm sau khi soái hạm Moskva, tàu chiến được trang bị hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất của Nga tại vùng biển này, bị chìm vào ngày 14/4.
Trong một thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Facebook hôm 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã cảnh báo các tàu chiến Nga tại Biển Đen sẽ chịu chung số phận với soái hạm Moskva sau khi các tên lửa hành trình diệt hạm Harpoon hiện đại được lực lượng phòng thủ bờ biển Ukraine đưa vào sử dụng
Để đối phó, quân đội Nga đã điều về đây nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có cả tàu đệm khí đổ bộ Samum thuộc Đề án 1239. Các chuyên gia quân sự cho biết chiến hạm này được trang bị một hệ thống phòng không đầy uy lực với các pháo AK-176 cỡ nòng 76mm và pháo AK-630 6 nòng. Ngoài ra, 2 bệ phóng tên lửa phòng không Osa cũng được gắn lên tàu đổ bộ này. Bên cạnh đó, Hải quân Nga cũng đã điều động các thủy phi cơ Be-12 "Chim mòng biển" để thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu bán đảo Crimea.