1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhận diện chiến thuật mới sau vụ tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga

Linh Phong

(Dân trí) - Một số chuyên gia hải quân nhận định, vụ tấn công bằng thiết bị không người lái nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga hồi tuần trước có thể là một bước ngoặt mới trong lịch sử chiến tranh hiện đại.

Nhận diện chiến thuật mới sau vụ tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga - 1

Xuồng không người lái bí ẩn xuất hiện tại bờ biển Crimea (Ảnh: Twitter).

Theo Guardian, vụ việc hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Sevastopol, Crimea bị tấn công lúc rạng sáng ngày 28/10 diễn ra giống một vụ đột kích của lính đặc nhiệm và được quay video trực tiếp. Nhưng trên thực tế, không có lính đặc nhiệm thực hiện vụ tấn công. Nó diễn ra do sự phối hợp của 16 thiết bị tự động - gồm 9 thiết bị trên không và 7 thiết bị dưới nước. Vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi: Đó có thể là một bước ngoặt trong lịch sử chiến tranh hiện đại?

Ba năm trước, ông Dominic Cummings, trưởng nhóm cố vấn của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, từng nói: "Một thiếu niên có thể điều khiển thiết bị tự động từ điện thoại thông minh để đánh đắm những khí tài hàng tỷ USD như 2 hàng không mẫu hạm mới nhất của Hải quân Anh". Tổng chi phí để sản xuất hai tàu sân bay ấy lên tới 6,4 tỷ bảng. Trong cuộc chiến ở Ukraine, có thể ông đã đúng.

Nga tuyên bố đã ngăn chặn vụ tấn công vào hạm đội Biển Đen hôm 28/10 và cáo buộc Ukraine là chủ mưu của vụ việc. Mặc dù Ukraine bác bỏ mọi sự liên quan, nhưng khi cuộc chiến đang diễn ra, Kiev đã tìm ra cách để đe dọa và thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng cho hạm đội Biển Đen của Nga. Kiev từng tuyên bố đánh chìm soái hạm Moskva của Nga bằng tên lửa tầm xa vào tháng 4. Giờ đây, họ có thể áp dụng một cách đơn giản là điều khiển những thiết bị tự sát.

Giới quan sát đặc biệt chú ý tới xuồng tự động, thứ đã gây xôn xao trong giới phân tích hải quân khi giới chức Nga tìm thấy một chiếc trôi dạt trên Vịnh Omega, bên ngoài lối vào cảng Sevastopol hồi tháng trước. Họ nhận định có thể quân đội Ukraine đã dùng chiếc xuồng ấy để đâm vào tàu khu trục nhỏ của Nga. Nó từng xuất hiện trong một đoạn video mà quân đội gửi tới một nhà báo Ukraine.

H.I Sutton, một nhà phân tích hải quân, tin rằng quân đội Ukraine đã cải tiến một mô tô nước để tạo nên xuồng tự động. Nó có một lớp vỏ nhôm cùng các ngòi nổ ở phía trước. Một đầu đạn nằm ngay phía sau các ngòi nổ. Một máy ảnh (được điều khiển từ xa) cùng với ống kính hồng ngoại truyền video trở lại trung tâm chỉ huy của Ukraine.

Giải pháp chế tạo vũ khí từ những sản phẩm đang tồn tại trên thị trường khiến nhiều người liên tưởng tới cách Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo máy bay không người lái Bayrakter TB2, một loại vũ khí tương đối rẻ. Phiến quân Houthi cũng mới sử dụng xuồng tự động để tấn công các tàu hải quân của Ả Rập Xê út tại cảng ở Biển Đỏ. "Chúng ta có thể thấy những vũ khí không người lái xuất hiện với số lượng lớn trong các cuộc chiến tương lai, gây ra mối đe dọa dai dẳng", chuyên gia Sutton cảnh báo.

Nhận diện chiến thuật mới sau vụ tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga - 2

Các chiến hạm của Nga trong một cuộc diễu hành hải quân tại Sevastopol, Crimea (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia Ukraine chú ý tới việc hải quân Ukraine giờ đây có thể điều phối thiết bị bay không người lái cách bờ biển hơn 160km, tận dụng ưu thế về số lượng - cả trên biển và trên trời - để tiếp cận khu vực bên ngoài cảng và có thể cả bên trong cảng.

Mục tiêu quan trọng của vụ tấn công là chiến hạm Đô đốc Makarov, tàu khu trục nhỏ hiện đại nhất của Nga ở Biển Đen. Một video từ vũ khí tự hành kết thúc ngay khi nó chạm vào tàu, cho thấy vũ khí đã phát nổ, nhưng không ai biết tác động của vụ nổ đối với tàu. Một bức ảnh của Đô đốc Makarov tại bến cảng, không bị hư hại, đã xuất hiện trên mạng hôm 1/11, nhưng người đăng ảnh không nêu ngày chụp.

Nhưng ngay cả khi thiệt hại đối với Đô đốc Makarov và các tàu khác chỉ ở mức nhẹ, Hải quân Nga vẫn phải nhanh chóng đánh giá khả năng chiến đấu của các thiết bị không người lái. Từ lâu, người ta đã biết tàu chiến dễ tổn thương nhất khi chúng ở trên bờ hoặc gần bờ, nơi khả năng xoay xở và triển khai vũ khí của chúng ở mức thấp nhất.

Theo ông Sidharth Kaushal, một chuyên gia hải quân từ Viện nghiên cứu Rusi (Anh), trong trường hợp này, có lẽ hạm đội Nga đã đánh giá thấp đối thủ. Ông gọi đây là "sự thiếu linh hoạt trong chiến thuật", vì hạm đội Nga đã bám sát bờ biển Crimea và neo đậu quá lâu trong một khu vực mà nguy cơ bị tấn công luôn ở mức cao.

Nhiều chuyên gia hải quân lưu ý rằng, việc dùng tàu, thuyền không người lái để tấn công không phải là ý tưởng mới. Ví dụ người xưa đã biết dùng thuyền cháy để lao vào đội hình tàu địch. Chuyên gia Kaushal mô tả, về cơ bản xuồng không người lái của Ukraine là ngư lôi tự hành. Nhưng nó là vũ khí vừa rẻ vừa hiệu quả ở những vùng nước có mật độ tàu lớn như Vịnh Ba Tư hoặc khu vực phía bắc Biển Đen.

Theo Guardian