1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Giải pháp cấp bách của Nga nhằm tăng cường năng lực phòng không cho Crimea

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Hải quân Nga được cho là đã huy động thêm nhiều trang thiết bị quân sự nhằm nhanh chóng tăng cường khả năng phòng không cho bán đảo Crimea.

Giải pháp cấp bách của Nga nhằm tăng cường năng lực phòng không cho Crimea - 1
Tàu đệm khí đổ bộ Samum thuộc Đề án 1239 được điều động đến khu vực bán đảo Crimea (Ảnh: Defense Express).

Những hình ảnh được ghi nhận trên mạng xã hội cho thấy Hải quân Nga đã điều động thêm ít nhất một tàu đổ bộ đệm khí được trang bị tên lửa phòng không đến khu vực Biển Đen gần bán đảo Crimea nhằm tăng cường năng lực phòng thủ đường không cho bán đảo này trước những mối đe dọa tấn công từ quân đội Ukraine.

Theo đó, tàu đệm khí đổ bộ Samum thuộc Đề án 1239 đã được nhìn thấy trên đường di chuyển đến khu vực bán đảo Crimea. Các chuyên gia quân sự cho biết chiến hạm này được trang bị một hệ thống phòng không đầy uy lực với các pháo AK-176 cỡ nòng 76mm và pháo AK-630 6 nòng. Bên cạnh đó, 2 bệ phóng tên lửa phòng không Osa cũng được gắn lên tàu đổ bộ này.

Giải pháp cấp bách của Nga nhằm tăng cường năng lực phòng không cho Crimea - 2
Tàu kéo di chuyển tàu đệm khí đổ bộ Samum đến khu vực neo đậu (Ảnh: Krym Realii).

Những trang bị này đã góp phần giúp cho các tàu thuộc Đề án 1239 có một khả năng phòng thủ tầm ngắn đáng gờm trước tên lửa, máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái (UAV) của đối phương. Hạm đội Biển Đen vì thế được cho là đang muốn sử dụng tàu bộ Samum như một hệ thống phòng không nổi trên mặt biển.

Trong thời gian gần đây, quân đội Ukraine đã liên tục tổ chức các vụ tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự của Nga trên bán đảo Crimea. Để đối phó, bên cạnh việc điều động các tàu đệm khí đổ bộ được trang bị tên lửa phòng không, các thủy phi cơ Be-12 "Chim mòng biển" của Nga cũng liên tục thực hiện các chuyến bay tuần tiễu tại khu vực bán đảo Crimea trong những tuần qua.

Be-12 "Chim mòng biển" là một loại thủy phi cơ sử dụng động cơ cánh quạt do các kỹ sư thuộc Cục thiết kế Beriev của Liên Xô nghiên cứu chế tạo từ cuối những năm 1950 nhằm thực hiện các nhiệm vụ tuần tra bờ biển và chống ngầm.

Thủy phi cơ Be-12 tuần tra dọc một bãi biển tại Crimea hôm 17/8.

Be-12 có cấu tạo cánh giống hình cánh chim mòng biển và đuôi có dạng 3 nhánh. Kết cấu trên giúp máy bay có khả năng bay lượn dễ dàng đặc biệt là trong điều kiện hoạt động trên biển. Với chiều dài 30m, chiều cao 7,94m cùng sải cánh 30m, Be-12 có thể chở một phi hành đoàn 4 người và đạt vận tốc tối đa lên tới 530 km/h.

Thêm vào đó, tầm hoạt động lên tới 3.300km cùng trọng lượng cất cánh lên tới 36 tấn đã góp phần giúp Be-12 thực hiện rất tốt nhiệm vụ tuần tra, đặc biệt là tại vùng hải đảo hoặc các khu vực có đường bờ biển kéo dài như bán đảo Crimea. Hiện tại, Hạm đội Biển Đen của Nga đang sở hữu ít nhất 9 thủy phi cơ loại này trong biên chế.

Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Crimea đóng vai trò là tuyến đường tiếp tế vũ khí, đạn dược chính của Nga cho các lực lượng quân sự của nước này tại mặt trận miền Nam và miền Đông Ukraine.

Chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky từ trước đến này luôn coi Crimea là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Ukraine và khẳng định sẽ làm mọi cách để giành lại quyền kiểm soát bán đảo này.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm