1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giải mã thiết bị lạ Nga dùng để "đánh lừa" HIMARS ở nam Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia đã giải thích cơ chế hoạt động của những thiết bị phản xạ radar Nga đang sử dụng để qua mặt hệ thống hệ lực phóng loạt HIMARS của Ukraine tại Kherson.

Giải mã thiết bị lạ Nga dùng để đánh lừa HIMARS ở nam Ukraine - 1

Các thiết bị phản xạ radar hình chóp Nga triển khai dọc theo cây cầu Antonivskiy để đánh lừa radar của Ukraine (Ảnh: The Drive).

Theo Eurasian Times, trong nỗ lực phản công giành lại Kherson ở miền nam, Ukraine trong những ngày qua đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu ở khu vực và cơ sở tiếp viện hậu cần của Nga. Ukraine đã tấn công 2 cây cầu gần Kherson hồi cuối tháng trước và cầu Antonivsky cũng như một cây cầu đường sắt bắc qua sông Dnipro (Dnieper).

Đây là những cây cầu Nga sử dụng để chuyển vũ khí hạng nặng và hậu cần tới Kherson, khu vực mà họ đã giành được quyền kiểm soát trong giai đoạn đầu chiến sự. Những cây cầu này có mức độ quan trọng rất cao với Nga vì nếu thiếu chúng, lực lượng Nga ở Kherson sẽ bị cô lập.

Vì vậy, Ukraine đang tích cực dùng HIMARS để nhằm vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu này, khiến cho Nga phải tính toán tới việc triển khai các biện pháp đối phó. 

Ngoài việc tấn công đáp trả nhằm vào các hệ thống HIMARS mà Ukraine đang sử dụng để tấn công, Nga cũng bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm khai thác điểm yếu của hệ thống trên để "đánh lừa" hỏa lực của đối thủ.

Một phương pháp mà Moscow sử dụng là triển khai các thiết bị phản xạ radar hình chóp tới gần các cây cầu quan trọng.

Đây không phải là lần đầu Nga sử dụng các thiết bị này để ngăn các cuộc tấn công từ Ukraine. Đầu tháng trước, Moscow cũng triển khai các con tàu có gắn radar phản xạ, cũng như xịt khói để bảo vệ cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. 

Theo Eurasian Times, cơ chế của việc Nga triển khai các thiết bị phản xạ radar là nhằm tạo ra một cây cầu "ma" trên thiết bị radar vệ tinh của đối thủ, nằm ngay gần cây cầu thật, nhằm đánh lừa hỏa lực của Ukraine.

Chuyên gia Girish Linganna giải thích: "Tại Ukraine, quân đội nước này đang sử dụng rocket phóng loạt phóng từ HIMARS có tính năng dẫn đường quán tính dựa trên tọa độ GPS của mục tiêu được cung cấp. Vì vậy, Nga triển khai thiết bị phản xạ hình chóp nhằm làm lệch hướng tín hiệu radar. Vì hỏa lực HIMARS của Ukraine phải sử dụng tọa độ thu được từ radar để tìm tới mục tiêu, nên các radar phản xạ của Nga đã đánh lừa được nó. Người Nga đã tận dụng một khe hở về kỹ thuật trong cách mà HIMARS vận hành để bảo vệ tuyến đường cung cấp hậu cần của họ".

"Rocket GMLRS trên HIMARS sử dụng tọa độ GPS của mục tiêu và hệ thống dẫn đường quán tính để thực hiện vụ tấn công. Trong khi đó, các vệ tinh sử dụng radar để tìm tọa độ GPS của mục tiêu rồi truyền thông tin cho bên Ukraine", ông Linganna nói.

Do đó, mục đích của các bộ phản xạ này là để đánh lừa các radar vệ tinh, từ đó truyền thông tin không chính xác tới các hỏa lực HIMARS, khiến nó bị rối loạn và bắn trượt mục tiêu.

Theo Eurasian Times, cách làm trên tuy đơn giản nhưng dường như đã có hiệu quả và Nga dường như đang dựa vào cách này để bảo vệ cây cầu trọng yếu trước HIMARS ngoài việc sử dụng các lá chắn phòng không để đánh chặn.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine